Thời sự

TP HCM sẽ giảm 6 thay vì 8 sở như dự kiến

Thông tin được ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm tới, sáng 26/12.

Theo ông Thuận, Trung ương cho phép TP HCM có 15 sở và giữ sở nào là thẩm quyền của Thường vụ Thành ủy TP HCM. Lý giải về việc thay đổi, lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố cho biết Hà Nội không có Sở An toàn thực phẩm nên giữ Sở Quy hoạch Kiến trúc trong khi thành phố thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 thì lại có.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, phát biểu tại hội nghị, sáng 26/12. (Ảnh: An Phương).

"Do đó, nếu kết thúc hoạt động Sở An toàn thực phẩm thì không còn đặc thù nữa", ông Thuận nói, cho biết Sở Nội vụ đang trình hai phương án sắp xếp, một là làm theo chỉ đạo Trung ương và hai là phương án theo đặc thù TP HCM để UBND TP HCM lựa chọn.

Dự kiến sau sắp xếp, TP HCM sẽ tinh gọn và giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong và tinh giản biên chế theo lộ trình do Trung ương quy định. Việc sắp xếp dự kiến hoàn thành trước ngày 20/2/2025.

Trước đó, theo định hướng của Thành ủy TP HCM, thành phố nghiên cứu: sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được nghiên cứu sáp nhập để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số nhiệm vụ của hai sở này sẽ chuyển về các sở khác liên quan.

TP HCM chuyển Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao.

Sở Thông tin và Truyền thông được nghiên cứu sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.

Sở An toàn thực phẩm dự kiến kết thúc nhiệm vụ, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc thành phố; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM.

Trước đó, báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban cán sự Đảng UBND Hà Nội, thủ đô dự định duy trì 10 sở và tương đương, đề xuất giữ lại 5 sở và một cơ quan tương đương có yếu tố đặc thù, gồm Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch, Ngoại vụ và Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm