Từ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn và quản lý dòng tiền, đến các nút thắt trong chuỗi cung ứng, sự biến động giá cả, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự bất ổn, rủi ro thương mại hàng ngày. Trong bối cảnh này, Giám đốc Quốc gia Atradius Việt Nam Vũ Thị Đức Hạnh chia sẻ cách các doanh nghiệp đang cố gắng giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng tài chính và tìm ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
- Thưa bà, chuỗi cung ứng tài chính là gì?
- Chuỗi cung ứng tài chính liên quan đến dòng chảy giao dịch tài chính giữa các doanh nghiệp, bao gồm chi trả và nhận tiền cho hàng hóa và dịch vụ. Điều này, trong nhiều tình huống, quan trọng hơn chuỗi cung ứng vật chất vì nếu không có tiền, doanh nghiệp không thể hoạt động. Sự chậm trễ trong thanh toán có thể gây ra vấn đề dòng tiền, ảnh hưởng đến việc mua nguyên vật liệu và mối quan hệ với nhà cung cấp.
- Làm thế nào chuỗi cung ứng tài chính mạnh mẽ có thể hỗ trợ các mối quan hệ kinh doanh?
- Chuỗi cung ứng tài chính mạnh mẽ có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi. Khi một doanh nghiệp biết rằng họ sẽ được thanh toán vào một ngày cụ thể, họ có thể lên kế hoạch mua nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cần thiết cho hoạt động của mình. Các nhà cung cấp của họ cũng sẽ được đảm bảo mức độ an toàn hoạt động tương tự.
Hơn nữa, điều này không chỉ áp dụng cho các vấn đề hoạt động. Nếu một doanh nghiệp tự tin về dòng tiền, chuỗi cung ứng tài chính có thể hỗ trợ họ lập kế hoạch chiến lược rộng hơn, bao gồm đầu tư vào nhân sự và vốn để phát triển doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thương mại với chuỗi cung ứng tài chính như thế nào, thưa bà?
- Việt Nam có các liên kết thương mại mạnh mẽ và lâu đời với nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc và EU. Các doanh nghiệp Việt Nam có niềm tin những địa điểm này không có rủi ro thương mại. Điều này hoàn toàn không đúng.
Các địa điểm đó có thể ít rủi ro hơn về môi trường thương mại chung nhưng không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam an toàn khi giao dịch với Mỹ, Trung Quốc và EU. Nhà xuất khẩu vẫn dễ bị tổn thương trước bất ổn do căng thẳng địa chính trị và thách thức trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, có nhiều lý do khác khiến khách hàng không thanh toán hóa đơn đúng hạn. Tuy nhiên, có nhiều bước để giảm thiểu rủi ro này. Giống đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng vật lý, hỗ trợ hậu cần thương mại và xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhà cung cấp, khách hàng, bạn cũng có thể đầu tư vào chuỗi cung ứng tài chính.
- Vậy, các doanh nghiệp nên làm gì để củng cố chuỗi cung ứng tài chính?
- Doanh nghiệp có thể củng cố chuỗi cung ứng tài chính bằng cách đầu tư vào công cụ giảm thiểu rủi ro tài chính, thúc đẩy minh bạch giữa các đối tác kinh doanh. Tự động hóa việc tạo đơn đặt hàng và hóa đơn bằng phần mềm phù hợp với khách hàng, nhà cung cấp cũng giúp giảm thiểu sai sót, cải thiện quy trình thanh toán, củng cố mối quan hệ.
Ngoài ra, đầu tư vào bảo hiểm tín dụng thương mại mang lại sự tự tin là doanh nghiệp sẽ được thanh toán vào một ngày cụ thể định trước. Ngoài ra, bảo hiểm tín dụng còn củng cố chuỗi cung ứng tài chính. Khi khoản phải thu được bảo hiểm, hoạt động khó bị ảnh hưởng nếu khách hàng không thanh toán, từ đó cũng củng cố mối quan hệ với đối tác.Bảng cân đối kế toán mạnh hỗ trợ đàm phán với nhà cho vay thương mại trước và sau khi giao hàng. Ở nhiều thị trường, một số ngân hàng yêu cầu bảo vệ khoản phải thu bằng bảo hiểm tín dụng thương mại như điều kiện tiên quyết.
Với các doanh nghiệp tận dụng dịch vụ chiết khấu hóa đơn để bôi trơn dòng tiền, bảo hiểm tín dụng thương mại là công cụ mạnh mẽ trong thảo luận với nhà tài trợ thương mại.
- Bà nhận định thế nào về chuỗi cung ứng tài chính mạnh mẽ tạo ra sự tăng trưởng?
- Một chuỗi cung ứng tài chính được hỗ trợ bởi bảo hiểm tín dụng thương mại tạo ra sự tăng trưởng khi thâm nhập thị trường mới. Các doanh nghiệp có bảo hiểm tín dụng thường tiếp cận rủi ro tích cực hơn vì tự tin dòng tiền vẫn an toàn, dù làm việc với khách hàng mới chưa biết đến trước đây. Nhiều doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội khai thác kiến thức kinh doanh của nhà bảo hiểm tín dụng.
Nếu nhà bảo hiểm tín dụng sẵn sàng bảo lãnh giao dịch thương mại với khách hàng tiềm năng mới, họ tự tin khách hàng đó sẽ thanh toán đúng hạn. Còn nếu có rủi ro thì đó là rủi ro nhà bảo hiểm chịu, không ảnh hưởng đến dòng tiền của người dùng.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, họ trao đổi thông tin về rủi ro gia tăng ở thị trường cụ thể và nút thắt trong chuỗi cung ứng vật lý với đối tác trong chuỗi cung ứng tài chính. Điều này dẫn đến thực hiện bước hỗ trợ lẫn nhau như thông qua điều khoản thanh toán tạm thời tăng hoặc cung cấp tài chính ngắn hạn giá rẻ để thương mại tiếp tục suôn sẻ. Mối quan hệ làm việc chặt chẽ và minh bạch giữa nhà cung cấp, khách hàng được bảo hiểm tín dụng mang lại là cách tốt nhất để thúc đẩy niềm tin, xây dựng doanh nghiệp.
Thanh Thư