Ngày 19.5, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Huế báo cáo UBND TP.Huế về tình trạng người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch trên địa bàn vẫn còn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giao thông và nhiều hệ lụy khác. Những ngày qua, đã có 5 trường hợp bị xử phạt đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Sau thu hoạch lúa, người dân khu vực xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy vẫn đốt rơm bất chấp khuyến cáo của chính quyền
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Ông Lê Văn Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Huế, cho biết thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch như sử dụng máy cuốn rơm, dùng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ... Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi.
Vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn thành phố gieo cấy 27.903 ha lúa. Theo tính toán của Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô; trung bình sản xuất 1 tấn lúa thì tạo ra 1 tấn rơm rạ. Với sản lượng lúa hiện nay, ước tính lượng rơm rạ thải ra trong vụ đông xuân có thể lên đến 170.000 - 180.000 tấn.
Đặc thù tại TP.Huế, sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân chừng 10 - 15 ngày là phải nhanh chóng bước sang sản xuất vụ hè thu, vì vậy nhiều nông dân chọn giải pháp nhanh và rẻ nhất là đốt rơm rạ tại đồng.

Giải pháp máy cuộn rơm chỉ giải quyết được 47% diện tích đồng ruộng của toàn TP.Huế
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Nếu rơm rạ không được thu gom mà vùi lại trên đồng ruộng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cây sinh trưởng kém, nghẹt rễ sinh lý và nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại khác, chưa kể cỏ dại.
Ô nhiễm và lãng phí vì thói quen đốt rơm rạ
Đầu tháng 5, UBND TP.Huế đã ban hành công văn hạn chế đốt rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch vẫn còn phổ biến.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Huế, việc đốt rơm rạ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến an toàn hàng không... mà còn làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt nhiều lần sẽ khiến cho đất thoái hóa, khô cằn, tiêu diệt các loại sinh vật có ích làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, gây bộc phát nhiều đối tượng sâu bệnh.
Các địa phương trên địa bàn thành phố đã sử dụng máy cuốn rơm, dùng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ... để hạn chế việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, toàn thành phố hiện chỉ có khoảng 150 máy cuộn rơm, chỉ giải quyết được khoảng 47% diện tích (tương ứng khoảng 13.105 ha) và khoảng 10% diện tích được người dân thu gom rơm thủ công.
Như vậy, hiện vẫn còn 43% lượng rơm rạ (tương ứng khoảng 90 - 95 ngàn tấn rơm rạ) chưa được thu gom. Trong đó, tập trung 50 - 60 ngàn tấn rơm rạ tại vùng dân cư, gần sân bay và trục đường giao thông chính.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Huế đề xuất một số chính sách, giải pháp tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật, chế phẩm sinh học, hỗ trợ chính sách thu gom bằng máy cuộn rơm...

Người dân khu vực Thủy Thanh vẫn lén đốt rơm trong đêm
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt tiền từ 2,5 - 3 triệu đồng đối với hành vi đốt phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Những ngày vừa qua, UBND P.Hương Chữ (TX.Hương Trà) vừa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 5 trường hợp có hành vi đốt rơm rạ trên đồng (2,5 triệu đồng/trường hợp).