Theo đó, UBND Tp.HCM (cơ quan chuẩn bị dự án) và các tỉnh kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cơ chế cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của các địa phương ưu tiên nguồn vốn để bố trí cho dự án.
Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021 – 2025 và phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án.
Đối với Tp.HCM, về khả năng huy động nguồn vốn tăng thêm, UBND TP cho biết, ngoài tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg là 142.557 tỷ đồng, Tp.HCM có khả năng có thể cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 261.967 tỷ đồng, cao hơn 119.410 tỷ đồng so với mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ (142.557 tỷ đồng).
Tuy nhiên, phần vốn này chưa được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thống nhất và chấp nhận giao bổ sung cho thành phố. Do đó, Tp.HCM chỉ có thể lập phương án bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 dựa trên tổng mức được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng.
Theo cơ chế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND Tp.HCM cho biết, ngân sách thành phố có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án trong các năm 2022 – 2023 từ mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Thành phố đã được Quốc hội thông qua và nhu cầu vốn cho dự án trong các năm 2023 – 2026 sẽ được cân đối, bố trí theo tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, UBND Thành phố cam kết thực hiện cân đối, bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thành dự án Vành đai 3 theo tiến độ đã đề ra sau khi ngân sách Trung ương đã cân đối, bố trí vốn thực hiện dự án.
Trước đó, cuối tháng 1/2022, UBND Tp.HCM đã có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 75.777 tỷ đồng. UBND Tp.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất dự án đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương.
Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% (khoảng 39.990 tỷ đồng) tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An. Ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án: Tp.HCM khoảng 24.380 tỷ đồng; Đồng Nai là 1.624 tỷ đồng; Bình Dương khoảng 9.781 tỷ đồng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Vành đai 3 dài gần 92 km, đi qua địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn chỉnh sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/giờ cùng đường song hành hai bên.