Doanh nghiệp

TP.HCM chưa tính thu phí rác theo ký

Chỉ thực hiện khi tiến hành phân loại rác tại nguồn

Theo Quyết định 67/2025 của UBND TP.HCM, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tiền rác sinh hoạt) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6. Cụ thể, hình thức và mức giá rác sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Nhiều người thắc mắc, có phải từ tháng tới, mỗi lần bỏ rác phải xếp hàng đợi cân ký tính tiền như mua hàng?

Ngày 14.5, đại diện Sở NN-MT TP.HCM xác nhận với PV Thanh Niên: Từ ngày 1.6, việc tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo đơn giá mới và theo khu vực thay vì theo từng quận, huyện như từ trước nay. Chủ nguồn thải nhỏ là các cá nhân, hộ gia đình sẽ được áp dụng định mức 126 kg rác/tháng, đơn giá sẽ theo khu vực như quy định. Với những hộ kinh doanh, nguồn thải lớn cũng sẽ tiếp tục được áp dụng định mức khối lượng như hiện tại nhưng với đơn giá mới. Do vậy, về cơ bản chi phí có biến động nhẹ.

Tuy nhiên, vị này cho biết hiện tại TP.HCM chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn nên chưa áp dụng việc tính phí (đơn giá) theo khối lượng, thể tích. Việc tính đơn giá theo khối lượng, thể tích sẽ được áp dụng khi thành phố tiến hành thực hiện phân loại rác tại nguồn. Khi đó, UBND TP sẽ có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, lộ trình thực hiện. "Việc tính phí theo khối lượng cũng sẽ theo hướng đơn giản, thuận tiện chứ không có chuyện phải cân ký mỗi khi người dân đi bỏ rác", vị này khẳng định.

TP.HCM chưa tính thu phí rác theo ký- Ảnh 1.

Từ 1.6, tiền thu gom rác ở TP.HCM tăng, nhưng không còn tình trạng mỗi quận một giá

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, so với hiện tại, tiền rác do UBND các quận, huyện tự xây dựng và ban hành dựa theo các quy định hiện hành. Còn theo Quyết định 67, tiền rác do UBND TP.HCM quy định và phân theo khu vực với mức giá khác nhau như: khu vực 1 là các quận trung tâm và TP.Thủ Đức; khu vực 2 là Bình Chánh và Củ Chi; và khu vực 3 là các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Grac, đơn vị đang phối hợp với nhiều địa phương ở TP.HCM và các tỉnh thành thực hiện số hóa việc thu gom phân loại rác tại nguồn, thông tin: Theo quyết định mới, đối với nguồn thải là hộ gia đình không có hoạt động kinh doanh ở khu vực 1 sẽ được áp dụng định mức khối lượng rác thải là 126 kg/tháng trở xuống; giá thu gom được áp dụng là 61.000 đồng, giá vận chuyển là 23.000 đồng, cộng thêm 8% thuế VAT thì tổng mức tiền phải trả là 90.720 đồng/hộ. So với trước đây, với cùng định mức phổ biến ở các quận huyện từ 120 - 125 kg thì tổng số tiền rác phải trả có tăng nhẹ; cụ thể tại Q.Phú Nhuận là 83.500 đồng/hộ hay tại Q.Bình Thạnh là 68.000 đồng/hộ... Đối với khu vực 2, theo giá mới thì hộ dân (không kinh doanh) trả tiền rác là 86.400 đồng và khu vực 3 là 82.080 đồng. Các hoạt động thu gom vận chuyển vẫn thực hiện như hiện tại. Đối với những hộ kinh doanh cũng áp dụng theo cách làm và định lượng tương tự.

"Trước đây, thành phố giao về cho địa phương nên mỗi quận một giá thì nay thống nhất cả thành phố chỉ có 3 mức giá theo 3 khu vực. TP.HCM hiện chưa triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo luật Bảo vệ môi trường 2020 và mức phí này tính theo giá chưa phân loại được áp dụng cho cả thành phố. Trong trường hợp các hộ gia đình có lượng rác thu gom gia tăng bất thường thì người thu gom sẽ báo với chủ nguồn thải để đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên", ông Nguyễn Trọng Minh thông tin.

TP.HCM chưa tính thu phí rác theo ký- Ảnh 2.

Cần đẩy mạnh số hóa nguồn thải để dễ quản lý và phân loại rác tại nguồn

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đẩy mạnh phân loại rác và số hóa nguồn thải

Luật Bảo vệ môi trường quy định từ ngày 1.1.2025, các hộ gia đình phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, đến nay tại TP.HCM việc thực hiện vẫn chỉ "nằm trên giấy". Đại diện Phòng TN-MT (Q.Tân Bình) cho biết trong thời gian qua, địa phương áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý các chủ nguồn thải đã lọc ra được khoảng 2.000 trường hợp bị trùng lặp so với trước kia. Hiện nay, việc trả phí rác thải, chủ nguồn thải trả 80%, còn 20% được thành phố hỗ trợ. Việc lọc ra được sự trùng lặp này giúp ngân sách thành phố tiết kiệm được một khoản đáng kể. Đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh về những tồn tại trong công tác thu gom rác ở địa phương.

Ông Lê Trí Bá, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh, cũng xác nhận việc thu tiền điện, nước rất hiện đại và thuận tiện nhờ đẩy mạnh số hóa nhờ có nguồn lực tốt, trong khi các đơn vị thu gom rác lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa dữ liệu người dùng/nguồn thải.

Ông Nguyễn Trọng Minh nhấn mạnh rác cũng là tài nguyên và phân loại rác tại nguồn không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc vì đã được luật hóa. Một trong những nguyên nhân khiến chính sách này chưa đi vào cuộc sống là do chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về chủ nguồn thải nên việc xử lý chất thải còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình thu gom rác dân lập vốn chiếm tỷ lệ đến 60% ở thành phố hiện nay ngày càng giảm hiệu quả.

Theo đó, để phân loại rác tại nguồn hiệu quả, cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Có thể xây dựng các mô hình thí điểm ở khu dân cư, trường học, cơ quan để tạo thói quen và nhân rộng dần. Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng về cách thức phân loại, quy chuẩn cho từng loại rác, lịch thu gom, xử phạt vi phạm. Thứ ba là nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ; đầu tư vào hệ thống thu gom - vận chuyển - xử lý tương ứng với các loại rác đã được phân loại. Cần có các nhà máy hoặc dây chuyền xử lý phù hợp; cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ giúp quá trình phân loại thực sự hiệu quả.

TP.HCM định hướng phân loại rác tại nguồn ra sao?

Theo Quyết định 67/2025 của UBND TP.HCM, trong trường hợp triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định của luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải nhỏ thực hiện phân loại rác tại nguồn đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì giá được tính như sau:

Khu vực 1 có mức giá dịch vụ thu gom tại nguồn rác sinh hoạt là 485,97 đồng/kg, giá vận chuyển là 108,07 đồng/kg;

Khu vực 2 có mức giá dịch vụ thu gom tại nguồn rác sinh hoạt là 452,91 đồng/kg, giá vận chuyển là 108,07 đồng/kg;

Khu vực 3 có mức giá dịch vụ thu gom tại nguồn rác sinh hoạt là 452,91 đồng/kg, giá vận chuyển là 147,07 đồng/kg.

Quyết định nêu rõ: Trường hợp UBND TP triển khai phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định thì UBND cấp huyện tổ chức thống kê khối lượng rác phát sinh sau phân loại của hộ gia đình, cá nhân trong một khoảng thời gian do các bên tự thỏa thuận làm cơ sở xác định khối lượng rác thu giá dịch vụ.

Các tin khác

Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Các sàn không thể vô can

Trong khi người bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt, truy tố, thì nhiều sàn thương mại điện tử - nơi trực tiếp phân phối, hưởng hoa hồng và chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung - vẫn ung dung vô can. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc các sàn phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể nếu để hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng của mình.

3 không khi ăn mướp

Bạn tuyệt đối không ăn mướp có vị đắng, nấu chưa chín hoặc đã quá già.

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chóng mặt

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh hay nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác. Khi họ đi khám, bệnh đã tiến triển.

Cách chăm sóc răng miệng khi niềng răng để khỏi "tiền mất tật mang", không phải ai cũng biết

Niềng răng là một phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay giúp dịch chuyển răng mang lại một hàm răng đều đặn, hài hòa về thẩm mỹ và chức năng. Quá trình niềng răng của mỗi bệnh nhân có thể kéo dài 1-3 năm thậm chí lâu hơn tùy theo mức độ lệch lạc của răng hàm và kế hoạch chỉnh nha mà bác sĩ và bệnh nhân đã lựa chọn.