Sức khỏe

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chóng mặt

Bà P.T.N. (62 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) đang điều trị ung thư tại Khoa Hóa trị - Can thiệp và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Trước đó, bà thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt nhưng chỉ nghĩ do thiếu máu nên không đi khám và mua thuốc bổ về uống.

Tình trạng không cải thiện nên bà tới bệnh viện và làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây thiếu máu thì phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3.

Sau đó, bà N. được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch và đang điều trị theo phác đồ với 8 lần truyền hóa chất.

Anh C.V.K (26 tuổi, Lạng Sơn) bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 cũng có triệu chứng tương tự. Người đàn ông trẻ thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, da xanh như thiếu máu và sút cân. Anh K. cho rằng, các biểu hiện đó do áp lực công việc, ăn không ngon miệng nên chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe.

Tới lúc đau âm ỉ vùng thượng vị, buồn nôn suốt 1 tuần, anh K. quyết định vào viện khám. Nội soi tiêu hóa ghi nhận dạ dày có nhiều tổn thương loét, sùi nên anh phải sinh thiết giải phẫu bệnh. Kết quả xác định nam bệnh nhân bị ung thư dạ dày tế bào nhẫn, phải nhập viện điều trị. Hiện, người đàn ông này phải cắt 3/4 dạ dày. 

kham ung thu.png
Bệnh nhân ung thư khám tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày đột biến, tăng sinh không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Đây là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Các tổn thương tiền ung thư như viêm dạ dày mạn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, các biến đổi dị sản, loạn sản mức độ từ nhẹ đến nặng, cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.

Bác sĩ Nam cho biết, triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình xuất hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Một số người thấy các dấu hiệu mờ nhạt như chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, đau thượng vị thoảng qua, nôn, mệt mỏi.

Nhiều người cảm thấy triệu chứng giống thiếu máu như chóng mặt, không muốn ăn. Nếu ở giai đoạn muộn xuất huyết dạ dày, bệnh nhân có thể nôn ra máu, phân đen, đau dữ dội ở thượng vị.

Yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày

- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) làm viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.

- Thói quen ăn uống như tiêu thụ thức ăn nhiều muối, chứa nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói làm tăng nguy cơ.

- Những người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người khác, người có nhóm máu A nguy cơ cao hơn nhóm máu khác.

- Người có tiền sử phẫu thuật dạ dày, viêm loét.

- Ung thư dạ dày cũng liên quan tới yếu tố gia đình như ung thư đại trực tràng không polyp, đa polyp, polyp dạ dày tăng sản…

Các tin khác

Cách chăm sóc răng miệng khi niềng răng để khỏi "tiền mất tật mang", không phải ai cũng biết

Niềng răng là một phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay giúp dịch chuyển răng mang lại một hàm răng đều đặn, hài hòa về thẩm mỹ và chức năng. Quá trình niềng răng của mỗi bệnh nhân có thể kéo dài 1-3 năm thậm chí lâu hơn tùy theo mức độ lệch lạc của răng hàm và kế hoạch chỉnh nha mà bác sĩ và bệnh nhân đã lựa chọn.

Xem phim sex có gây rối loạn sinh lý?

Xem phim sex gây rối loạn sinh lý, tăng nguy cơ rối loạn cương, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, đúng không? (Tùng, 33 tuổi, Hà Nội)