Doanh nghiệp

Tổng tài sản công ty con của Vingroup tiến sát mốc 100.000 tỷ

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) - công ty con do Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) nắm 83,3% vốn, đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu thuần đạt 126 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 6,1 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 4,7 lần cùng kỳ, đạt 560 tỷ trong quý cuối năm ngoái đều là tiền lãi từ cho vay, đầu tư.

Trừ đi các chi phí, VEF báo lãi sau thuế kỷ lục 434 tỷ trong quý IV/2024, gấp 4,7 lần quý IV/2023.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Luỹ kế cả năm 2024, công ty con của Vingroup đạt 4,6 tỷ doanh thu thuần, giảm 48% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 61% lên 699 tỷ đồng và cũng là con số cao nhất trong lịch sử hoạt động. EPS năm đạt 4.194 đồng.

Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, VEF đã vượt 180% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Quy mô tài sản chỉ kém Vinhomes, Novaland

Hiện VEF đang hợp tác cùng CTCP Vinhomes (Mã: VHM) thực hiện dự án khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội với tên thương mại là Vinhomes Global Gate.

VEF sẽ được hưởng 95% toàn bộ lợi ích thu được từ dự án còn Vinhomes được hưởng 5%.

Ngoài dự án này, VEF còn thực hiện loạt dự án khác ở Hà Nội gồm Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia ở huyện Đông Anh (90 ha), Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ và hỗn hợp tại 148 Giảng Võ (6,8 ha), Khu chức năng đô thị Nam đại lộ Thăng Long (75 ha).

Tổng diện tích của dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và Vinhomes Global Gate ở Đông Anh có quy mô lên tới trên 300 ha.

Cuối tháng 8/2024, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh và cam kết hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng chỉ sau hơn 10 tháng khởi công (khoảng tháng 7/2025).

Việc đẩy nhanh tiến độ dự án ở Đông Anh giúp quy mô tài sản của VEF đã tăng vọt lên mức 98.380 tỷ cuối năm ngoái, gấp 2,76 lần sau một quý và tăng đột biến gấp chục lần so với đầu năm 2024. Mức tài sản của VEF chỉ đứng sau hai ông lớn bất động sản là Vinhomes và Novaland (Mã: NVL) trên sàn chứng khoán.

Cuối quý IV, VEF ghi nhận giá trị phải thu 56.567 tỷ với Vinhomes, là khoản phải thu hoạt động bất động sản. 

Đồng thời hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng vọt từ 1.266 tỷ đầu năm lên 22.083 tỷ tại cuối năm ngoái. Đây là khoản chi liên quan tới việc thực hiện đầu tư dự án khu đô thị mới tại huyện Đông Anh và chủ yếu là tiền đất phải nộp theo các thông báo nộp tiền đất của cơ quan quản lý nhà nước.

Công ty có 1.210 tỷ tiền mặt cuối quý IV, tăng mạnh so với mức 33 tỷ cuối quý III/2024. Ngoài ra, trong kỳ VEF còn phát sinh khoản phải thu về cho vay ngắn và dài hạn các đối tác với tổng số tiền hơn 11.500 tỷ đồng.

Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng vọt từ 12.168 tỷ đồng tại ngày 30/9 lên 63.261 tỷ đồng cuối tháng 12/2024.

Khoản phải trả ngắn hạn khác của VEF cũng ghi nhận tăng 66% sau một quý lên 23.279 tỷ nhưng không được thuyết minh chi tiết. Doanh nghiệp không sử dụng nợ vay.

Vốn chủ sở hữu đạt 3.341 tỷ cuối quý III, bao gồm 2.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm