Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, CTCP Bến xe Miền Tây (Mã: WCS) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 11% đạt 39 tỷ đồng. Giá vốn tăng nhanh khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ 4% còn 21 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, công ty quản lý bến xe này vẫn có lãi sau thuế 16 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm liền trước.
Tính lũy kế cả năm, Bến xe Miền Tây báo cáo doanh thu 158 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế thu về 75 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Năm ngoái, công ty bến xe đặt mục tiêu doanh thu hơn 160 tỷ và có lãi sau thuế gần 69 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị xấp xỉ kế hoạch doanh thu và vượt 9% về chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, Bến xe Miền Tây đang làm dày thêm vốn chủ sở hữu với hơn 265 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần nợ phải trả. "Của để dành" vượt trội với gần 122 tỷ lợi nhuận chưa phân phối (gấp gần 5 lần vốn điều lệ 25 tỷ đồng) và quỹ đầu tư phát triển gần 119 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản vượt mốc 300 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm chủ đạo với tổng số dư 262 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và chiếm 85% tổng tài sản.
Bến xe Miền Tây là một trong những bến xe lớn tại TP HCM với diện tích hơn 4,7 ha, được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1973. Năm 2006, đơn vị chính thức hoạt động theo loại hình CTCP và tới năm 2020 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bến xe Miền Tây có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 51%, tiếp đến là America LLC nắm 23% và Đầu tư Thái Bình có 10% vốn.
Trên thị trường, WCS đang được giao dịch quanh vùng giá 300.000 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp đạt 750 tỷ đồng.