Sáng nay (12-4), Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Ông Ngọ Duy Hiểu- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu trong phiên họp lần thứ nhất diễn ra chiều 28-3-2022
Trao đổi với Báo Người Lao Động trước phiên thương lượng, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết phía đại diện cho người lao động (NLĐ) đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ 7-8% từ ngày 1-7-2022.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho NLĐ. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Bên cạnh đó dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ và gia đình họ. Một bộ phận NLĐ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
"Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận NLĐ đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của NLĐ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
"Chúng ta phải nhìn hình ảnh NLĐ xếp hàng từ sáng sớm để chờ rút bảo hiểm xã hội một lần là điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ".
Theo đại diện lãnh đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1-7-2022. Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Cùng với đó căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, chúng ta đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó NLĐ thì vẫn đang hết sức khó khăn. "Thời điểm này tăng lương, cùng chính vừa để hỗ trợ giúp cho NLĐ vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 là có thể thực hiện được.
"Nếu không đạt được kì vọng, rất có thể Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải nhóm họp thêm các phiên họp để thương lượng"- đại diện phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra chiều 28-3, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động, đề nghị tăng lương từ ngày 1-1-2023 thay vì từ tăng 1-7-2022 của phía đại diện cho người lao động là Tổng LĐLĐ Việt Nam. |