Chứng khoán

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước

Sau những phiên phục hồi đầy mạnh mẽ, thị giá cổ phiếu nhóm thép lại quay đầu điều chỉnh trong đầu tuần. Sắc đỏ bao trùm hầu khắp cả nhóm ngành trong phiên 22/11, HPG, HSG, NKG hay TLH đều giảm với biên độ trên 1%. Hiện tại, một loạt cái tên của ngành thép đã rơi xuống dưới mệnh giá (thấp hơn 10.000 đồng/cp) như HSG, NKG, SMC, POM, TLH, TIS, VGS, TVN..., duy nhất HPG giữ được vùng giá giao dịch 14.xxx đồng.

So với vùng đỉnh, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã bị thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong cả năm 2021 khi giảm khoảng 70-80%, thị giá rơi xuống vùng đáy 2 năm. Điều này được cho có nguyên nhân không nhỏ từ tình hình kinh doanh ảm đạm của nhóm ngành thép trong bối cảnh giá thép quay đầu giảm mạnh kể từ mức đỉnh hồi quý 3 năm 2021 nhưng áp lực nguyên liệu đầu vào vẫn neo ở vùng giá cao.

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Cổ phiếu thép đồng loạt giảm mạnh trong phiên 22/11

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KIS dẫn số liệu mới công bố bởi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về sản lượng sản xuất và bán hàng thép trong tháng 10. Cụ thể, sản lượng sản xuất đạt mức 1,92 triệu tấn, giảm 15% so với tháng 9 trước đó và giảm gần 28% so với cùng kỳ.

Trong đó, Chứng khoán KIS nhận thấy sự suy giảm ở sản lượng tại mảng thép xây dựng và ống thép, lần lượt giảm 34% so với tháng trước xuống gần 614 nghìn tấn và giảm 17% so với tháng trước xuống gần 185 nghìn tấn. Duy nhất sản lượng sản xuất thép tôn tăng 7% so với tháng 9 lên gần 372 nghìn tấn.

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Về tổng sản lượng tiêu thụ, con số trong tháng 10 ghi nhận giảm nhẹ 3,5% so với tháng trước về mức 1,76 triệu tấn, tương ứng giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa có sự giảm sút, xuống mức 1,32 triệu tấn, giảm hơn 26% so với cùng kỳ. Đồng thời số liệu cũng cho thấy sự suy giảm rõ rệt sản lượng của hầu hết các sản phẩm thép.

Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu ở mức 444 nghìn tấn, giảm 34% so với tháng 10/2021 nhưng tăng 51% so với tháng 9/2022 kề trước. Điều này đến từ việc sản lượng xuất khẩu thép cuộn tăng đột biến, đạt 86 nghìn tấn, tương ứng tăng 81% so với cùng kỳ và gấp gần 3 lần tháng 9.

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 3.

Lượng tồn kho thép tính đến cuối tháng 10 là 1,45 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái song đã giảm hơn 2% so với tháng 9 trước đó.

Về diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trong vòng 30 ngày qua, tại thời điểm 16/11, giá quặng sắt ở mức 89 USD/tấn (-8 USD/tấn), thép cuộn cán nóng (HRC) giảm xuống 545 USD/tấn (-21 USD/tấn), than luyện cốc tăng lên mức giá 312 USD/tấn (+29 USD/tấn).

Căn cứ vào giá niêm yết của thép thanh Hòa Phát trong tháng 10, giá thép thành phẩm nội địa ở mức hơn 15 triệu đồng/tấn.

Nhìn chung, Chứng khoán KIS cho rằng tình hình trong 10 tháng đầu năm vẫn tương đối ổn định. Việt Nam đã sản xuất 23,47 triệu tấn trong 10 tháng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng bán ra ở mức 21,3 triệu tấn, giảm gần 6%.

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 4.

Mặt khác, nỗi sợ dư thừa cung ở Trung Quốc phần nào đó được xoa dịu nhờ các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản từ Chính phủ. KIS vẫn kì vọng vấn đề sẽ được giải quyết nhờ sự trở lại thị trường bất động sản của người mua sau khi các chính sách đã cải thiện tâm lý người tiêu dùng.

Chứng khoán KIS cho rằng triển vọng tăng trưởng của ngành Thép không thật sự tốt, doanh số kinh doanh của thị trường trong những tháng tới có thể tiếp tục bị tắc nghẽn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt, lượng tồn kho cao còn buộc nhiều doanh nghiệp dừng lò cao. Hòa Phát mới đây đã có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022. Ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động.

Trước đó, Pomina cũng đã phải dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty. Lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.

Tồn kho ngành thép còn gần 1,5 triệu tấn vào cuối tháng 10, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 5.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm