Có một thuật ngữ đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ gần đây: Quiet quitting (Theo The Guardian, “Quiet quitting” là thuật ngữ mới xuất hiện dùng để chỉ những nhân sự chỉ làm công việc trong phạm vi họ được trả tiền để làm, mà không làm thêm bất kì công việc nào, kể cả các hoạt động giao lưu, ngoại khoá nơi làm việc. Họ không làm việc ngoài giờ, họ ra về đúng giờ, tắt hết thông báo trên nhóm làm việc và đặc biệt không ôm việc về nhà.) Gần một phần tư, 21% những người đang đi làm tại Mỹ đang nói rằng bản thân họ là những người theo “chủ nghĩa” này, theo một cuộc khảo sát của ResumeBuilder.com vào tháng 8/2022 với 1.000 người lao động.
Một người dùng TikTok có tên là zaidleppelin đã đăng một đoạn video ngắn vào ngày 25/7, “Gần đây tôi biết về một thuật ngữ được gọi là ‘Quiet quitting', có nghĩa là bạn không hoàn toàn từ bỏ công việc của mình nhưng bạn cũng sẽ không ôm thêm việc nữa”, anh ấy nói trong video. Video hiện đã đạt được 3,5 triệu lượt xem tính tới thời điểm này.
Ảnh minh họa: Pinterest
Còn với Amanda Henry, người đã thực hiện một loạt video về chủ đề này trên TikTok thì “Đối với tôi, Quiet quitting nghĩa là việc thiết lập ranh giới của bạn về kết quả đầu ra của bạn trong công việc. Đối với một số người, điều đó có thể có nghĩa là chỉ làm ở mức tối thiểu nhất bởi vì đó là tất cả những gì họ phải cống hiến vào lúc này, vì nhiều lý do. Đối với những người khác, điều đó lại có nghĩa là không để bản thân bị kiệt sức vì công việc”, cô nói với CNBC Make It.
Sự phổ biến về thuật ngữ này gần đây đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi về việc thiết lập ranh giới trong công việc. Và dưới đây là chia sẻ của ba người trẻ thuộc thế hệ Y, những người đã trải nghiệm điều này.
“Tôi sẽ không làm việc quá sức mình nữa”
Daniella Flores đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại một công ty tài chính vào tháng 6/2021 trước khi cô quyết định chỉ làm đúng số việc được giao.
“Rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin gặp phải vấn đề này, họ hiếm khi được làm việc 40 giờ/tuần, thay vào đó, họ luôn phải dành từ 50 đến 60 giờ mỗi tuần cho công việc của mình”, Port Orchard, 32 tuổi, làm việc tại Washington, cho biết.
Nhiều khi, tại một thời điểm nào đó, họ nhận ra rằng thời gian đảm nhận công việc vượt quá phạm vi chức vụ của mình là không đáng, bởi khi họ mong muốn có được một sự thăng tiến hay thay đổi trong lương thưởng, sếp của họ lại lập tức từ chối.
Ảnh minh họa: Behance
Và đó là mồi lửa cho mọi chuyện. “Tôi sẽ không làm việc quá sức mình nữa,” Flores quyết định. Cô chuyển sang nhóm khác và mỗi khi chuyển sang một nhóm mới, cô luôn nói trước với sếp mới rằng cô sẽ chỉ tập trung vào công việc được giao và không tham gia các cuộc họp không cần thiết. Điều đó làm giảm số giờ của cô xuống còn từ 40 đến 45 một tuần.
Flores chính thức nghỉ việc hoàn toàn vào tháng 6 năm nay để tập trung cho blog có tên “I Like To Dabble” của mình, cũng như thực hiện các dự án sáng tạo khác.
Quiet quitting là "một chiến thuật sống sót"
Maggie Perkins từng làm giáo viên phổ thông trung học và trung học cơ sở tại Georgia, Mỹ trong suốt sáu năm. Cô giáo 30 tuổi này bắt đầu không làm thêm giờ nữa sau khi con gái cô chào đời vào năm 2018, bởi “Nếu tôi không rời trường học ngay sau giờ dạy hợp đồng, tôi sẽ bị nhà trẻ phạt tiền suốt mất”, và điều đó buộc cô phải tạo ra một ranh giới.
“Trong phạm vi giáo dục, dù bạn có làm nhiều hơn trọng trách của mình, bạn cũng sẽ không được trả thêm hay thậm chí được công nhận”, cô nói. Một giáo viên điển hình làm việc 54 giờ mỗi tuần, theo Khảo sát giáo viên của Đại học Merrimack năm 2022 với 1.324 giáo viên.
Ảnh minh họa: Pinterest
Giống như Flores, Perkins đã nghỉ việc hoàn toàn vào năm 2020 để theo học bằng tiến sĩ về giáo dục ngôn ngữ. Là một người yêu thích giáo dục, cô ấy đã thực hiện một loạt video về chủ đề “Quite quitting” trên Tiktok, trong đó cô cũng chia sẻ những điều dành riêng cho những giáo viên như mình, chẳng hạn như đừng mang công việc về nhà và đừng bỏ tiền túi ra cho lớp học của mình.
Đối với cô ấy, quite quitting là “một chiến thuật sống còn. Nó mang lại nhiều khía cạnh cuộc sống hơn cho công việc mà tôi yêu thích”, cô ấy nói.
Quite quitting là một “sự tự chăm sóc bản thân”
Đối với Clayton Farris, một cây viết tự do và người sáng tạo nội dung 41 tuổi sống tại Los Angeles, Quite quitting là một sự thay đổi về tinh thần.
Anh nói: “Quite quitting là cho phép bản thân đặt những thứ khác lên trước công việc mà không cảm thấy có lỗi.”
Đó là một sự thay đổi mà anh ấy bắt đầu thực hiện trong thời gian đại dịch xảy ra, khi anh ấy luôn lo lắng về việc liệu khách hàng của mình có hài lòng hay không và công việc tiếp theo của anh ấy sẽ đến từ đâu. Mặc dù chỉ thường làm việc khoảng 30 giờ mỗi tuần, nhưng với sự lo âu thường trực, anh ấy "cảm giác như đang làm việc 50 giờ mỗi tuần vậy", anh nói.
Ảnh minh họa: Pinterest
Bằng cách áp dụng “chiến thuật” này, “bất cứ khi nào tôi gửi email và cần chờ phản hồi, tôi sẽ đóng máy tính của mình lại và đi ra biển”, bởi lẽ anh nhận ra rằng lo lắng về một phản hồi sẽ không khiến nó đến nhanh hơn.
“Quite quitting là một chiến thuật tự chăm sóc bản thân”, Farris chia sẻ. Đó là khi bạn cần phải chậm lại, rời xa công việc khi bạn đang không cần phải làm nó với một sự thoải mái trong tư tưởng.
Có rất nhiều mục đích đằng sau việc quyết định “không ôm đồm quá nhiều việc”, nhưng tất cả đều có chung một lý do, đó là việc bận rộn tới nỗi đánh mất đi các khía cạnh khác của cuộc sống. Công việc vốn không phải tất cả, nó chỉ là một phần của cuộc sống, và đôi khi, chúng ta thực sự cần chậm lại để cân bằng mọi thứ xung quanh.
Theo CNBC