Doanh nghiệp

ESG - Yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư ngoại

ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Trong đó, các yếu tố môi trường đánh giá tác động tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, bao gồm việc sử dụng tài nguyên năng lượng của công ty, chính sách về quản lý chất thải, tác động và nỗ lực của công ty đối với phát thải ròng và biến đổi khí hậu. Khía cạnh xã hội đánh giá ảnh hưởng của doanh nghiệp tới các các vấn đề xã hội trong và ngoài danh nghiệp ví dụ quyền của người lao động, chính sách tại nơi làm việc, sức khỏe và đào tạo của nhân viên, DEI (tính đa dạng, công bằng và hòa nhập) và tiền lương. Nhóm tiêu chí quản trị là các vấn đề và nỗ lực liên quan đến việc ra quyết định và văn hóa doanh nghiệp về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính toàn diện và tuân thủ. Yếu tố này cũng bao gồm mối quan hệ với các bên liên quan, như cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng.

Nhà đầu tư đánh giá cao những doanh nghiệp cung cấp Báo cáo ESG đầy đủ và minh bạch . Ảnh: Seeking Alpha

Nhà đầu tư đánh giá cao những doanh nghiệp cung cấp Báo cáo ESG đầy đủ và minh bạch . Ảnh: Seeking Alpha

Theo số liệu từ báo cáo của Bloomberg Intelligence (BI), thực hành ESG đang ngày càng trở thành chiến lược chủ đạo, thậm chí là bắt buộc ở một số quốc gia khi đầu tư ESG năm 2020 vượt 35.000 tỷ USD. Dự báo, dòng tài sản có tích hợp các yếu tố ESG toàn cầu có thể vượt 41.000 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, việc thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt còn đang ở bước sơ khai. Theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022" do PwC và VIOD thực hiện, chỉ 28% doanh nghiệp có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai ESG, 71% doanh nghiệp cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.

Do đó, việc thực hiện ESG cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa tập trung đặt ra chiến lược bao trùm, từ đó triển khai một cách có hệ thống, chủ yếu dừng ở mức xem xét yếu tố sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp trong thời gian ngắn và trung hạn.

Theo đại diện VinaCapital, ESG là một chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững thể hiện qua tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp, cách thức quản trị, kiểm soát các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất, kinh doanh tới môi trường và xã hội. Thực hành ESG cũng hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư quản trị rủi ro khi đối mặt với những tác động tới hoạt động kinh doanh từ môi trường, xã hội. Vì vậy, việc lồng nghép ESG một cách có hệ thống và khoa học thể hiện rằng doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và chú trọng vào giá trị bền vững, đây cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá doanh nghiệp trong các quyết định đầu tư, mua bán và sát nhập.

Các quỹ đầu tư hàng đầu hiện nay có xu hướng tìm kiếm các công ty thực hành tốt ESG, kết hợp phân tích tính bền vững trong các vị trí danh mục đầu tư. Những ảnh hưởng của đại dịch và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cho thấy ESG không chỉ là yếu tố cần trong các chiến lược quản trị rủi ro mà được coi là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng tài chính.

Vụ bê bối gian lận khí thải vào năm 2015 của Volkswagen là một trong những ví dụ điển hình về quản lý rủi ro ESG và những hậu quả mà công ty có thể phải đối mặt. Hãng xe này đã bị Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) phát hiện hành vi vi phạm Đạo luật Không khí sạch khi công ty sử dụng phần mềm gian lận nhằm thay đổi kết quả kiểm định hệ thống phát thải của xe ô tô. Phần mềm này giúp các xe chạy diesel của Volkswagen vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải trong khi mức phát thải thực tế cao gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép. Volkswagen sau đó đã phải đối mặt với vô số các vụ kiện từ đối tác và các bên liên quan. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Volkswagen trong mắt đối tác và người tiêu dùng. Công ty đã phải thực hiện thu hồi hàng triệu xe đã bán ra thị trường, nhận mức phạt lên đến hơn 40 tỷ USD và giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỷ euro chỉ trong 2 ngày với danh tiếng bị thiệt hại nặng nề.

Chuyên gia của VinaCapital cho biết, hiện nay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang ngày càng tăng. Đi cùng với xu hướng này, các nhà đầu tư nước ngoài thường có kỳ vọng lớn hơn vào các doanh nghiệp trong việc thực hành và cung cấp những thông tin liên quan đến các khía cạnh ESG. Tuy nhiên, một số các doanh nghiệp thường có tâm lý e ngại việc công bố thông tin về ESG khi nghĩ rằng thực hành của mình chưa đủ tốt. Trong khi điều mà các nhà đầu tư muốn thấy không chỉ là thành tựu mà có thể là những kế hoạch hành động cụ thể hướng tới sự tiến bộ thật sự của doanh nghiệp. Công ty thậm chí sẽ được đánh giá cao nếu tự chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của mình và có một lộ trình để cải thiện.

"Báo cáo về ESG của doanh nghiệp không chỉ được đánh giá bởi những kết quả đã đạt được, mà những nỗ lực trong quá trình cải thiện cũng như chương trình hành động để đạt được mục tiêu trong tương lai cũng được các nhà đầu tư cân nhắc một cách tổng thể", chuyên gia của VinaCapital chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm