Bài học 1: Hở chút liền từ chức thì bạn sẽ chết rất nhanh
Nếu bạn thuộc thế hệ 9x, bạn nhất định phải vứt bỏ loại tư duy "tôi vẫn còn trẻ, còn nhiều thời gian". Trên thực tế, chúng ta có ít thời gian hơn mình tưởng rất nhiều.
Tôi từng nghe một số nhân viên nhân sự nói rằng những ứng viên bây giờ, kể cả là thế hệ 9x cũng sẽ rất dễ bị đánh rớt, bởi vì họ đều đã gần 30 hết rồi, chi phí bồi dưỡng quá cao mà mức lương ứng viên yêu cầu cũng không ít, cho nên xét về chi phí thì thật sự không khả thi.
Khi bạn bước sang tuổi 25, đi xin việc luôn luôn sẽ bị người khác khéo léo hỏi thăm tình trạng hôn nhân, nếu bạn trả lời đã kết hôn thì phần trăm được nhận sẽ thấp vô cùng.
Điều đó biểu thị rằng, chúng ta chỉ có một vài năm ngắn ngủi trong độ tuổi hoàng kim để đi tìm việc làm. Sau độ tuổi tìm việc sẽ là độ tuổi bồi dưỡng và nâng cao kinh nghiệm. Vì thế nếu bạn thường xuyên nhảy việc, bạn sẽ khó có thể học được những kỹ năng chuyên sâu của một ngành.
Một trong những ông chủ của tôi trước đây từng nói rằng: "Nếu cậu muốn hiểu bản chất của một ngành, cậu phải ở trong ngành đó ít nhất 5 năm."
Tôi thì cũng có 5 năm trong ngành đấy, nhưng 5 năm này tôi lại ở tận 24 công ty. Điều này khiến tôi đã mãi bị chôn vùi ở giai đoạn phỏng vấn, mãi chỉ là thử việc và luôn bị từ chối.
Bài học 2: Cảm xúc phải ổn định
Lần tôi hối hận nhất là xin nghỉ việc ở một công ty truyền thông mới. Vì đó là một ngành tốt nên mọi người trong công ty đều có thu nhập cao. Ở đó, lương hàng tháng của tôi là hơn 30 triệu.
Nhưng cũng bởi vì cái tôi quá cao, tôi cảm thấy công ty không nhìn ra được giá trị của mình, cộng thêm việc tôi đã làm sai, bị phê bình và trừ mấy trăm ngàn tiền phạt, nên dưới sự tức tối tôi đã từ chức. Sau này tôi không còn có thể tìm thấy một công ty nào tốt như vậy nữa.
Sự ổn định về cảm xúc là trí tuệ cảm xúc cơ bản nhất ở nơi làm việc. Mọi cảm xúc của chúng ta, đều không phải do người khác gây ra, mà là do chính chúng ta tạo ra, chúng ta phải học cách chịu trách nhiệm với chính cảm xúc của mình và chữa lành nó.
Bài học 3: Nhất định phải trở nên đáng tin cậy
Mỗi công ty đều hy vọng có thể tăng năng suất làm việc lên cao nhất có thể. Do đó, đối với mỗi một việc được giao, bạn đều phải có trách nhiệm hoàn thành tốt nó một cách rõ ràng và có kế hoạch. Nhờ vào cách làm việc này mà một người bạn của tôi đã được sếp công nhận và tăng lương.
Công ty đã giao cho cô ấy một dự án nhưng không nêu rõ thời hạn, đối tượng báo cáo hay chỉ số chỉ tiêu. Nhưng sau khi nhận được, cô đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong kế hoạch, không chỉ bao gồm các mục tiêu, các bước thực tế và các đối tác mà còn bao gồm cả thời hạn và dự tính lợi nhuận. Quản lý của cô ấy đã rất bất ngờ.
Khi làm dự án này, hàng đêm cô ấy luôn báo cáo tiến độ một cách cẩn thận, bất kể cô ấy có mệt đến đâu. Ngay cả khi nó chưa được hoàn thành, thì cô ấy cũng sẽ nói thật với sếp về những khó khăn và nhờ anh ta giúp đỡ một cách khiêm tốn.
Tôi thì ngược lại. Sếp yêu cầu gì thì tôi làm, nhưng khi làm xong thì lại không bao giờ báo. Vốn tưởng rằng đây là một kiểu khiêm tốn, nhưng kết quả là 80% các sếp của tôi đều cảm thấy tôi là một người không chăm chỉ, không chịu khó, không có khả năng học hỏi, sáng tạo và cầu tiến. Sau đó, tôi bị hiểu lầm, tâm trạng của tôi lại thay đổi thất thường. Thế là tôi lại từ chức.
Bài học 4: Hiểu rằng công việc hiện tại là sự lựa chọn tốt nhất trong khả năng hiện tại của bạn
Tôi tin rằng trước khi bắt đầu một công việc nào đó, thì bạn đã có một khoảng thời gian tìm việc và lựa chọn rất lâu. Cuối cùng, bạn đã chọn một công ty, doanh nghiệp hoặc đơn vị nào đó, vì nó là lựa chọn tốt nhất trong nhiều sự lựa chọn của bạn.
Và chính vì 2 chữ "tốt nhất" này, nên nó phải xứng đáng được bạn bỏ ra tinh thần và sức lực để đầu tư, ít nhất thì cũng đừng từ chức quá sớm.
Khi mới vào làm ở một công ty nào đó, tôi luôn có cảm giác sảng khoái trong ba ngày đầu, nhưng sau đó, khi công việc trở nên quen thuộc, thì tôi lại cảm thấy nhàm chán và phiền phức. Dần dần trong tiềm thức, tôi bắt đầu "vạch lá tìm sâu" công ty của mình và ngày càng trở nên khó chịu hơn.
Tôi đã quên vì sao tôi lại chọn công ty này trong hàng tá sự lựa chọn khi trước, và vì sao trong hàng tá cuộc phỏng vấn chỉ có công ty này nhận tôi. Nếu như tôi chịu nhìn vào mặt tốt đẹp thì tôi đã không thiếu trân trọng công việc này đến vậy.
Bài học 5: Đừng gây thù ở bất cứ đâu
Một trong những điều ngu ngốc nhất mà tôi từng làm là mắng sếp trên mạng xã hội. Tất nhiên là không mắng trực tiếp, thay vào đó, tôi dùng cách "chửi chó mắng mèo". Nhưng sếp tôi cũng đã phát hiện ra. Điều này đã trở thành một nguyên nhân dẫn đến việc tôi bị sa thải.
Tuyệt đối đừng than vãn, đừng nói xấu sau lưng người khác, dù cho là đồng nghiệp hay sếp. Vì tất cả những lời nói không hay này sớm hay muộn cũng sẽ bị truyền ra ngoài thôi.
Bạn càng xúc phạm nhiều người, con đường bạn đi sẽ càng hẹp. Bạn càng giúp đỡ nhiều người thì con đường bạn đi sẽ càng rộng mở.
Bài học 6: Biết ơn
Tôi biết thế hệ 9x hầu như rất không để tâm đến điều này. Cảm thấy rằng công ty để mình sống trong khách sạn 5 sao, đi máy bay, đi du lịch nước ngoài, và đào tạo mình bằng cả trái tim đều chỉ là nhiệm vụ mà họ bắt buộc phải làm thôi.
Nhưng vấn đề là những phúc lợi này, họ có quyền chọn không tặng cho bạn. Nhưng một khi họ đã chọn tặng bạn, thì tất nhiên họ cũng sẽ mong được hồi báo.
Trái tim con người không phải sắt đá, cơ hội không phải ai cũng tùy tiện có được. Cho nên, cớ gì mà họ lại phải trao nó cho một con người vong ơn? Vì vậy, nếu cứ tiếp tục không biết tri ân, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và lợi ích trong tương lai.
Trước đây, có một ông chủ rất trọng dụng tôi, ông hay đưa tôi đi dự nhiều hội nghị khác nhau, các cuộc gặp gỡ những người nổi tiếng trong ngành, họp báo, hợp tác với các ngôi sao, và đương nhiên là luôn được hưởng dịch vụ 5 sao trong suốt quá trình, sau đó còn đưa tôi ra nước ngoài để giao lưu. Nhưng tôi chưa bao giờ nói một lời cảm ơn. Ngay cả trong đáy lòng cũng nghĩ, "đây không phải là điều ông ấy nên làm hay sao?"
Kết quả là khi tôi từ chức, sếp đã nói: "Anh là người lạnh lùng nhất mà tôi từng gặp."
Lợi ích vượt quá bổn phận nghĩa là ân. Vì vậy, biết ơn tất cả những điều này và trả ơn nó bằng cách nỗ lực cống hiến gấp đôi là điều một người thông minh nên làm.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng nếu bạn biết ơn giữa một rừng người không biết ơn, thì bạn sẽ trở nên nổi bật nhất, làm tốt nhất.