Cách đây không lâu, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất đầu tư siêu dự án tại huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn.
Dự án mà doanh nghiệp này đề xuất có quy mô khoảng 3.173ha, địa điểm tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm), bao gồm 3 hợp phần.
Hợp phần 1 tại xã Ba Cụm Bắc và xã Cam Phước Tây, mục tiêu là xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort 6 sao), xây dựng khu nhà vườn sinh thái, dịch vụ spa, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe gắn với việc trồng các loại cây ăn quả theo mô hình du lịch canh nông, dịch vụ dù bay, hệ thống bay trượt zipline từ đỉnh đồi (gần đèo Khánh Sơn) nối xuống đồi khu vực đồi bay kinh khí cầu gần hồ Tà Rục…
Một góc khu vực Bãi Dài (Cam Lâm)
Hợp phần 2 tại xã Ba Cụm Bắc và xã Cam Phước Tây, mục tiêu đầu tư xây dựng khu khách sạn thấp tầng cùng các villa nghỉ dưỡng trên sườn đồi (resort 5 sao), hệ thống nhà hàng, spa, sân khấu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, cơ sở y tế trị liệu, nha khoa, làm đẹp…
Hợp phần 3 tại xã Cam Phước Tây và xã Cam An Bắc, mục tiêu đầu tư sân golf 72 lỗ, các tiện ích vui chơi giải trí khu vực ven hồ và mặt nước, công viên giải trí universal studio, khu bay khinh khí cầu ngắm cảnh đẹp của đồng mây, núi đồi, bình minh, hoàng hôn, hạ tầng dịch vụ hệ thống bay trượt zipline nối từ hợp phần 1 (từ đỉnh núi gần đèo Khánh Sơn)…
Cùng với Vingroup, Crystal Bay là doanh nghiệp sớm có đề xuất đầu tư vào Cam Lâm khi địa phương này vừa được quy hoạch trở thành đô thị sân bay, dịch vụ, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Không xuất hiện nhiều trên truyền thông như Vingroup, FLC, Tân Hoàng Minh hay Sun Group… nhưng Crystal Bay cũng là đại gia đứng sau không ít dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn ở miền Trung.
Đơn vị lữ hành "ruột" của khách Nga, chủ đầu tư có tiếng Nam Trung Bộ
Crystal Bay có trụ sở tại TP. Nha Trang, là tập đoàn đầu tư và phát triển du lịch, chuyên khai thác hoạt động lữ hành quốc tế đến Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo thông tin từ doanh nghiệp, Crystal Bay phục vụ gần nửa triệu khách mỗi năm, trong đó phần lớn là du khách Nga. Crystal Bay cũng tự tin cho biết hiện đang chiếm 65% thị trường khách Nga tại Việt Nam. Tập đoàn này khai thác 18 máy bay và 1.500 chuyến bay thuê nguyên chuyến mỗi năm, thuê lại phòng của các chủ đầu tư khác tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc.
Dịch vụ du lịch lữ hành của Crystal Bay đang tiếp tục mở rộng thị trường khách inbound quốc tế từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.... Với hoạt động du lịch lữ hành nội địa, doanh nghiệp này phát hành các loại thẻ du lịch và phân phối trực tiếp qua kênh online, đại lý và các đối tác trong nước.
Hệ sinh thái của Crystal Bay có khá nhiều công ty thành viên như Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (khai thác dịch vụ du lịch quốc tế), CTCP Câu lạc bộ du thuyền Horizon (khai thác dịch vụ du thuyền Nha Trang), Crystal Bay Card (khai thác thẻ du lịch), Crystal Bay Hospital (thương hiệu quản lý và vận hành bất động sản du lịch thuộc hệ sinh thái trọn vẹn của tập đoàn Crystal Bay),...
Phối cảnh dự án Con đường di sản Vân Đồn
Tuy nhiên, danh tiếng của Crystal Bay được biết đến nhiều hơn qua các dự án mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Trong đó, không thể không nhắc đến siêu dự án Con đường di sản Vân Đồn với quy mô hơn 3.300ha gồm: biệt thự hướng biển, khách sạn, tháp hỗn hợp khách sạn, resort hội nghị với tổng số hơn 3.000 phòng nghỉ. Điểm nhấn trong quy hoạch được phê duyệt là tòa cao ốc 88 tầng (tháp chữ V), quy mô 3.061 phòng. Đây là tòa tháp cao nhất trong tổng thể quy hoạch, được coi là biểu tượng của một siêu dự án. Dự án được thực hiện bởi Công ty CP Vân Đồn Heritage Road – nơi mà Crystal Bay có mối quan hệ sở hữu gián tiếp. Dự án này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, thi công.
Bên cạnh đó, Crystal Bay tập trung đầu tư khá nhiều vào các tỉnh miền Trung, cụ thể là Ninh Thuận và Khánh Hoà.
Tại Ninh Thuận, đầu tháng 12/2021, Tập đoàn này đã khởi công xây dựng Ninh Chữ Sailing Bay với tổng vốn đầu tư ước tính tới 4.800 tỷ đồng; hay tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với mức vốn 4.500 tỷ đồng đã bắt đầu thành hình.
Tại Nha Trang, Crystal Bay được coi là doanh nghiệp đầu tư sớm nhất vào khu vực Bãi Dài, với 2 dự án lớn. Trong đó Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015 và SunBay Cam Ranh Resort & Spa đang triển khai xây dựng. Ngoài ra còn có làng biệt thự Dameva Villas Compund Nha Trang và Crystal Marina Bay.
Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa
Crystal Bay cũng bắt đầu tiến về Đà Lạt bằng việc tài trợ quy hoạch dự án Khu du lịch hồ Prenn với diện tích khoảng 1.000ha.
Tại Tp Hà Tĩnh, tập đoàn này đã đề xuất Dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City do Crystal Bay. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có ý kiến thẩm định lại dự án do cho nhiều điểm chưa phù hợp với chương trình phhát triển đô thị của địa phương.
Ông chủ đứng sau
Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ ban đầu đạt 250 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Chi (SN 1968) là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Sau 2 lần tăng vốn, hiện Crystal Bay có tổng vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng.
Vị doanh nhân này quê ở Nghệ An, cũng từng có thời gian học tập, lập nghiệp khá thành công tại Nga như một số tỷ phú của Việt Nam hiện tại. Trước khi phát triển thành công hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng như hiện nay, ông Chi từng có trải qua nhiều sóng gió.
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT Crystal Bay
Vào năm 2005, ông Chi từng dính vào lùm xùm tại dự án Nàng tiên cá – Rusalka. Theo Báo Xây dựng, ông nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT), chủ đầu tư dự án Rusalka với vốn đầu tư 15 triệu USD nằm ven biển Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang. Khi dự án Rusalka đang triển khai dở dang thì vào khoảng tháng 6/2005, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RIT Nguyễn Đức Chi về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sau đó, ông Chi bị phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Sử dụng trái phép tài sản".
Sau khi được ra tù trước hạn vào năm 2010, vị doanh nhân thành lập công ty mới (Công ty Cổ phần Khu du lịch Champarama) để kế thừa dự án và xin tiếp tục thực hiện dự án Nàng tiên cá – Rusalka. Tuy nhiên sau đó, dự án tiếp tục vấp phải một số sai phạm và bị xử phạt hành chính.