Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua thời kỳ tái thiết, và mùa ĐHĐCĐ 2025 là nơi các CTCK chính thức vẽ lại tấm bản đồ phát triển. Không chỉ là những con số kế hoạch, mùa đại hội năm nay còn phản ánh rõ hướng đi mới: công nghệ là trọng tâm, sản phẩm là đòn bẩy, còn chiến lược là yếu tố quyết định sự khác biệt.
Không còn là những báo cáo chỉ tiêu khô khan, mùa đại hội năm nay chứng kiến sự thay đổi sâu sắc từ nội dung thảo luận cho đến cách tiếp cận của các CTCK. Kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, hạ tầng công nghệ hậu KRX, chiến lược tự doanh thận trọng và những định hướng chiến lược dài hạn là những nội dung bao trùm.
Những chỉ tiêu lợi nhuận trên nghìn tỷ và quyết tâm tăng trưởng
Tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng về con số, mà còn hướng đến sự phát triển bền vững và nâng cao uy tín trên thị trường.”
Lãnh đạo nhiều công ty khác cũng thể hiện quan điểm tương tự, nhấn mạnh rằng giai đoạn tới không còn là thời của tăng trưởng bằng đòn bẩy, mà là bằng nội lực và chiến lược rõ ràng.

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng. (Ảnh: SSI).
Không khí thảo luận sôi nổi tại các ĐHĐCĐ năm nay cho thấy sự đồng thuận cao giữa ban lãnh đạo và cổ đông về mục tiêu tăng trưởng. Hầu hết CTCK lớn đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt mốc nghìn tỷ đồng – một tín hiệu cho thấy sự trở lại của kỳ vọng sau thời gian dài tái cấu trúc và phòng thủ.
TCBS đặt mục tiêu doanh thu 9.323 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.765 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành. SSI cũng đặt kế hoạch lãi trước thuế 4.252 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024. VPBankS hướng đến mức lãi 2.003 tỷ đồng., tăng 64%.
SHS đặt mục tiêu 1.601 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ năm 2021. Vietcap (VCI) đặt mục tiêu 1.420 tỷ đồng lợi nhuận, nhấn mạnh mảng ngân hàng đầu tư và tư vấn doanh nghiệp.
Các CTCK khác như HSC (1.602 tỷ), VIX (1.500 tỷ), MBS (1.300 tỷ), FPTS (500 tỷ), VDSC (368 tỷ), DSC (210 tỷ) và TCSC (85 tỷ) đều duy trì kế hoạch tích cực.
Đáng chú ý, một số đơn vị như FPTS và VDSC theo đuổi chiến lược thận trọng khi chỉ tiêu không quá biến động so với thực hiện năm trước, nhấn mạnh khả năng kiểm soát chi phí và khai thác sâu vào các mảng có dòng tiền ổn định.
Không chỉ đưa ra các con số cụ thể, nhiều CTCK còn trình bày rõ định hướng phát triển cho 3–5 năm tới, bao gồm mở rộng thị phần môi giới bán lẻ, đầu tư vào công nghệ và tăng trưởng doanh thu từ tư vấn doanh nghiệp. Một vài công ty nhấn mạnh việc chuyển đổi từ tăng trưởng bằng đòn bẩy sang tăng trưởng bền vững bằng mô hình kinh doanh tích hợp.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Tự doanh, margin và kiểm soát rủi ro: Xu hướng thận trọng
Chiến lược đầu tư tự doanh và cho vay ký quỹ tiếp tục là một chủ đề được quan tâm tại mùa đại hội 2025, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chưa thật sự ổn định.
Tổng giám đốc HSC, ông Trịnh Hoài Giang cho biết: “Dư nợ margin tại HSC tính đến cuối quý I đạt 20.000 tỷ đồng, tiệm cận giới hạn 2 lần vốn chủ sở hữu. Chúng tôi đang thực hiện thủ tục tăng vốn để nâng hạn mức cho vay lên khoảng 28.000 tỷ đồng vào cuối năm.”
Bên cạnh đó, HSC cũng nhấn mạnh việc giảm quy mô tự doanh, thoái vốn khỏi các khoản đầu tư lớn vào FPT và MWG trước khi thị trường điều chỉnh, giúp công ty tránh được thiệt hại.

Tổng giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang. (Ảnh: X.N).
Phía SSI, Giám đốc Khối đầu tư Nguyễn Vũ Thùy Hương chia sẻ chiến lược giữ tỷ trọng đầu tư an toàn: hơn 60% danh mục nằm ở chứng chỉ tiền gửi, 30% là trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, cổ phiếu chỉ chiếm 7%.
Chiến lược phân bổ theo hướng phòng thủ và có dòng tiền ổn định cũng được SHS, FPTS, VDSC duy trì. Trong khi đó, các CTCK như VPBankS và MBS tiếp tục phát triển các công cụ kiểm soát rủi ro margin.
Một số công ty cũng cho biết đã hoàn thiện hệ thống đo lường sức khỏe danh mục theo thời gian thực, giúp bộ phận quản trị rủi ro nhận diện kịp thời các tài khoản sử dụng đòn bẩy cao. Các báo cáo tại đại hội cũng nhấn mạnh rằng hoạt động kiểm soát margin đã chuyển từ cơ chế cảnh báo sang phòng ngừa chủ động.
Đối với tự doanh, ngoài yếu tố thận trọng, nhiều CTCK đang tái cơ cấu danh mục theo hướng tăng tỷ trọng trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và sản phẩm thu nhập cố định. Một số công ty lựa chọn đầu tư cổ phiếu có cổ tức cao, gắn với nhóm ngành thiết yếu như điện, nước, y tế để bảo toàn lợi suất trong thời điểm thị trường chưa rõ xu hướng.
Tự doanh và margin từng là mảng dễ tạo đột biến lợi nhuận, nhưng cũng kéo theo rủi ro lớn. Việc các công ty đồng loạt chuyển hướng sang kiểm soát chặt rủi ro, đồng thời chủ động tái phân bổ tài sản, cho thấy ngành đang đi vào chu kỳ phát triển và kỷ luật hơn trong điều hành.
KRX và kỳ vọng sau ngày “lên sóng”
Các công ty chứng khoán không chỉ nhìn nhận KRX là thay đổi về mặt công nghệ, mà còn là động lực thúc đẩy các chuẩn mực vận hành tiến gần hơn với thông lệ quốc tế.
Hệ thống KRX chính thức vận hành từ ngày 5/5 được ví như bước chuyển giao hạ tầng quan trọng, tạo nền tảng để thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá về công nghệ và sản phẩm.
Tại mùa ĐHĐCĐ, nhiều lãnh đạo CTCK đều khẳng định đã hoàn tất công tác chuẩn bị từ hạ tầng công nghệ, quy trình kết nối đến đào tạo nhân sự.
Chủ tịch SSI nhận định: “KRX sẽ là nền tảng cho một thời kỳ phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, cả về chất lượng vận hành và sản phẩm giao dịch.”
SSI cho biết đã nâng cấp toàn bộ hệ thống giao dịch từ cuối năm 2024, giúp tăng khả năng xử lý lệnh gấp 3 lần. MBS thử nghiệm thành công mô hình giao dịch đa phiên và đồng thời cho lô lẻ…
Một số CTCK như FPTS, VDSC cho rằng KRX là cơ hội để chuẩn hóa giao dịch, đồng thời mở ra không gian triển khai các sản phẩm như T+0, bán khống, giao dịch lô lẻ tự động và chứng quyền đa dạng.
Tuy vậy, một số lãnh đạo cũng đưa ra cái nhìn cẩn trọng. Việc triển khai cần có lộ trình, tránh tạo cú sốc tâm lý cho nhà đầu tư.
Một điểm đồng thuận là KRX có thể tạo lực đẩy đáng kể cho mục tiêu nâng hạng thị trường. Các CTCK nhìn nhận rằng việc hoàn thiện hạ tầng là điều kiện tiên quyết, nhưng song song cần đẩy mạnh công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch và cải thiện quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tăng vốn và nâng hạng: Đón đầu xu hướng
Việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi không chỉ là mục tiêu của Việt Nam mà còn là một trong những yếu tố mang tính chiến lược cho hoạt động kinh doanh ngành chứng khoán. Để chuẩn bị đón đầu dòng vốn ngoại quy mô lớn, các CTCK đã đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc nguồn lực tài chính.
SHS là một trong những đơn vị có kế hoạch đáng kể nhất khi dự kiến phát hành hơn 894 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên hơn 17.000 tỷ đồng, qua đó lọt Top 3 toàn ngành. HSC cũng đã trình kế hoạch tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng trong vòng 6 tháng, phục vụ cả cho vay margin lẫn củng cố vốn hoạt động.
Không chỉ SHS hay HSC, hàng loạt CTCK khác như VDSC, ACBS, LPBS… cũng có động thái tương tự.
Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo công ty đã nhấn mạnh rằng tăng vốn không chỉ là nhu cầu phát triển kinh doanh, mà còn là bước đệm để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng từ MSCI, FTSE, đặc biệt là về quy mô vốn và chuẩn năng lực vận hành.
Tại các đại hội, một số ý kiến khẳng định hệ thống KRX giúp Việt Nam tiến gần hơn đến bộ tiêu chí kỹ thuật quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết CTCK nhận định rằng yếu tố mang tính quyết định là cải cách từ chính nội tại doanh nghiệp: công bố minh bạch hơn, chuẩn hóa sản phẩm, và nâng cao chất lượng dịch vụ…
Mùa đại hội cổ đông 2025 dần khép lại với nhiều cam kết cụ thể và những thay đổi đáng kể trong chiến lược của các CTCK. Sự chuyển dịch từ mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn sang xây dựng nền tảng bền vững là điểm nhấn xuyên suốt mùa đại hội năm nay.
Từ việc công bố kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ, kiểm soát chặt rủi ro trong tự doanh và margin, nâng cấp công nghệ cho hệ thống KRX, đến các chương trình tăng vốn quy mô lớn và định hướng đón đầu nâng hạng – tất cả cho thấy ngành chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện.
Nếu giai đoạn 2020–2023 là thời kỳ thử lửa, 2025 là thời điểm của hành động chiến lược. Các CTCK không còn chạy theo chỉ số ngắn hạn, mà đang chuẩn bị cho một chu kỳ dài hơn – nơi chất lượng vận hành, năng lực tư vấn và sức mạnh nội tại mới là yếu tố phân định vị thế.
Với những nền móng được củng cố trong mùa đại hội này, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào một giai đoạn mới của thị trường – minh bạch, vững vàng và sẵn sàng hơn.

Sau mùa ĐHĐCĐ, ngành chứng khoán kỳ vọng một chu kỳ mới. (Ảnh minh hoạ: X.N).