Thời sự

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Sau hai ngày làm việc tại Việt Nam với nhiều hoạt động, chiều 11-9, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rời Sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 10 đến 11-9.

Đây cũng là chuyến thăm đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ Việt - Mỹ, hai bên bước sang một chương mới khi chính thức được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden bước ra từ chuyên cơ không lực 1, chiều 10-9. Ảnh: PHI HÙNG

Trông chờ một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ

Trong ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại hội đàm, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngay sau hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn thông qua chuyến thăm quan trọng và đầy ý nghĩa này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các thành viên trong đoàn có thêm dịp để cảm nhận trực tiếp về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, có nền văn hiến, lịch sử lâu đời và người dân Việt Nam giàu tình cảm, hiếu khách, hữu nghị và yêu chuộng hòa bình.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TTXVN

“Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững” - Tổng Bí thư phát biểu.

Tổng Bí thư đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng Bí thư đã nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Trong đó có việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân...

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 3

Sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hội đàm với Tổng thống Joe Biden và đoàn đại biểu cấp cao Mỹ. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự vui mừng được đến thăm Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp trọng thị đối với cá nhân tổng thống cùng đoàn và vui mừng gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Joe Biden nhấn mạnh sự coi trọng đối với vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực, đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ một lần nữa bày tỏ vui mừng khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hai nước lên mức quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo ông Biden, việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới sẽ là một động lực cho thịnh vượng và an ninh tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.

“Đây là một bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia bởi nó thể hiện sức mạnh của bản thân mối quan hệ đó khi chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả thế giới”- ông Biden nói và khẳng định Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực.

Tổng thống Biden đánh giá những gì đạt được gần 50 năm qua giữa hai nước không hề ngẫu nhiên hay là tất yếu mà đòi hỏi nỗ lực của các nhà lãnh đạo hai nước trong nhiều năm, bao gồm cả người bạn của ông là Cựu thượng nghị sĩ và cũng là cựu ngoại trưởng Mỹ, đó là ông John Kerry - người đang là đặc phái viên của tổng thống về biến đổi khí hậu…

Và đặc biệt, Tổng thống Biden cũng cho biết để đạt được kết quả này nhờ một người bạn không còn có mặt trên đời của ông - cố Thượng nghị sĩ John Mc Cain.

Ông cho biết, những người bạn này cũng như ông và nhiều người khác nhìn được nhiều lợi ích thu được khi vượt qua quá khứ đau thương. “Đây là lý do tôi quyết định tranh cử nghị sĩ năm 1972 vì tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam” - Tổng thống Biden khẳng định.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden phát biểu với báo chí thông tin về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm và thông báo hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ảnh: TTXVN

Hồi tưởng về 10 năm trước đây, Tổng thống Biden cho biết khi đó ông đang là Phó Tổng thống, Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được cột mốc lớn khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.

Ông Joe Biden nói ông thấy tự hào về cách thức mà hai quốc gia và Nhân dân hai nước đã tiến hành xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau nhằm có thể xử lý hậu quả đau đớn mà cuộc chiến tranh đã để lại cho hai dân tộc.

“Những công việc mà chúng ta đã hứa là tiếp tục rà phá vật liệu nổ còn sót lại do chiến tranh, tẩy rửa ô nhiễm môi trường do vật liệu dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật, và tìm kiếm, quy tập những người lính Mỹ vẫn còn mất tích từ hồi chiến tranh ở Việt Nam, cũng như những bộ đội Việt Nam còn mất tích trong cuộc chiến tranh này” - ông Biden nói.

“Tôi trông đợi và đón chờ một chương mới trong quan hệ của hai nước chúng ta” - Tổng thống Mỹ chia sẻ thêm.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 5

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: TTXVN

Công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột mới

Trong ngày làm việc thứ 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo, với sự tham dự của các bộ, ngành và 14 doanh nghiệp tiêu biểu của Mỹ và Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết một trong những trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng và Tổng thống Joe Biden đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 6

Một trong những trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua. Ông cho rằng hiện nay là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo mà trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là điểm khởi đầu, hai nước cũng như doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau củng cố, tăng cường hợp tác để tiến xa hơn trong tương lai.

Mỹ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt cơ hội, tiềm năng của mình, do đó, ông đề nghị Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phát triển, trong đó có các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc hợp tác, chia sẻ không chỉ trong lúc phát triển thuận lợi mà ngay cả khi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra.

Để hiện thực hóa các đề xuất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất các tập đoàn bán dẫn như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries và Hiệp hội bán dẫn Mỹ phát triển hệ sinh thái chip, bán dẫn. Các doanh nghiệp này sẽ phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam.

Bộ trưởng đề nghị Boeing phát triển hệ sinh thái sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay (Hang-Ga) quy mô khu vực tại Việt Nam.

Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư có hiệu quả, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Trên cơ sở đó, cần chủ động học tập kinh nghiệm, tiếp thu và ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và tích lũy vốn để nâng tầm doanh nghiệp, đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến các hoạt động hợp tác có giá trị cao hơn và có tác động lan tỏa…

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 7

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng trải qua bao khó khăn, thử thách, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay. Ảnh: TTXVN

Quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như ngày nay

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng thống Mỹ Joe Biden trưa 11-9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ sẽ góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm nhằm tiếp nối chiều dài lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, với niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch nước cho rằng trải qua bao khó khăn, thử thách, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày nay, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

“Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước” - Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, gần 50 năm qua, hai bên đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng có ý nghĩa, những bước tiến mạnh mẽ chưa từng thấy, với những thành tựu vượt bậc trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai nước đã hợp tác từ kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, đến các cơ chế đối thoại, phối hợp trên nhiều vấn đề, lĩnh vực...

“Chúng ta sẽ cùng nhau tiếp nối những nỗ lực này, gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng tốt đẹp, tiến xa hơn nữa” - Chủ tịch nước nói.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 8

Trong phát biểu đáp từ tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến hai câu nổi tiếng trong Truyện Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Ông cho rằng đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước chúng ta. Ảnh: TTXVN

Trong phát biểu đáp từ tiệc chiêu đãi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cao những nỗ lực của hai nước để nắm bắt tiềm năng của tương lai và nhấn mạnh đó là những cơ hội lớn lao về sự thịnh vượng cho người dân hai nước.

Đề cập đến những điểm chung, những cố gắng của nhân dân hai nước, cùng nỗ lực vun đắp cho việc cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden đã cảm ơn cố Thượng nghị sỹ John McCain, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry…

“Đây là một minh chứng cho quãng đường dài mà chúng ta đã đi qua nhưng quan trọng hơn là chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên bao xa nữa trong tương lai. Đó chính là lý do chúng ta xác lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững để cùng tiến lên phía trước, cùng đối phó với những thách thức, cùng nhau đón nhận tương lai” – ông Biden nhấn mạnh.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 9

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trao đổi bên lề với Tổng thống Joe Biden tại buổi hội kiến chiều 11-9. Ảnh: QH

Đề nghị sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Trong buổi hội kiến với Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 11-9, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã bày tỏ trân trọng tình cảm tốt đẹp và đánh giá cao đóng góp của Tổng thống Joe Biden đối với quan hệ Việt - Mỹ.

Hai Nhà Lãnh đạo cùng chia sẻ QH hai bên đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hàn gắn, xây dựng, củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ hai quốc gia.

Hai Nhà Lãnh đạo đã chia sẻ nhiều giá trị chung giữa hai quốc gia, hai dân tộc, trong đó có những quyền thiêng liêng được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn trong phần mở đầu của Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Chủ tịch QH cũng đề nghị Mỹ sớm hoàn tất các thủ tục công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tiếp tục dành nguồn lực cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, lĩnh vực không thể thiếu đối với quá trình hàn gắn, xây dựng và củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước.

Tổng thống Mỹ và các nghị sỹ nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch QH và sẽ nỗ lực thúc đẩy nội bộ Mỹ đồng thuận ủng hộ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã chứng kiến lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Mỹ trao tặng các kỷ vật chiến tranh giữa hai bên, hành động có tính biểu tượng và nhân văn sâu sắc.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 10

Trước khi rời Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng đoàn tháp tùng đã tới đặt hoa tại phù điêu cố thượng nghị sĩ John McCain nằm ven hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Những chia sẻ đặc biệt của Tổng thống Joe Biden

Trước khi rời Hà Nội kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng đoàn tháp tùng đã tới đặt hoa tại phù điêu cố thượng nghị sĩ John McCain (nằm ven hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình). Phù điêu khắc họa hình ảnh ông John McCain, phi công Mỹ cùng chiếc Douglas A-4 Skyhawk bị bắn rơi ngày 26-10-1967 khi ném bom miền Bắc và phải nhảy dù xuống hồ.

Sau hơn năm năm ở nhà tù Hỏa Lò, phi công John McCain được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973. Trở về Mỹ, ông John McCain tham gia chính trị và nỗ lực để bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Ông cũng nhiều lần trở lại Việt Nam, tới thăm phù điêu ghi dấu sự kiện mình và chiếc máy bay bị quân dân Việt Nam bắn rơi.

Ngày 25-8-2018, ông John McCain qua đời sau hơn một năm chống chọi với bệnh tật.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 11

An ninh quanh khu vực phù điêu cố thượng nghị sĩ John McCain được thắt chặt. Ảnh: PHI HÙNG

Một điều đặc biệt là trên mạng xã hội Facbook và X (Twitter), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đăng tải nhiều thông điệp chia sẻ cảm xúc về chuyến thăm tới Việt Nam.

“Cảm ơn vì sự tiếp đón nồng hậu, Việt Nam. Tôi biết đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử”- ông viết.

Trong một thông điệp khác, ông viết “Thật tuyệt khi được nói chuyện với ông, Tổng Bí thư. Như tôi đã nói trước đó, Việt Nam và Hoa Kỳ có một cơ hội lớn để trở thành đối tác quan trọng. Tôi biết chúng ta có thể đạt được nguyện vọng cả hai quốc gia cùng chia sẻ vì một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng lớn hơn”.

Đáng chú ý, sau khi hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tối 10-9, ông Biden đã viết rằng vị thế này sẽ là động lực cho sự thịnh vượng và an ninh ở một trong những vùng quan trọng nhất trên thế giới.

“Việt Nam, hai nước chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững” - Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong một thông điệp khác.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Chiều tối 10-9, ngay sau cuộc Hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế, thông tin về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm. Theo đó, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể như ngoại giao; kinh tế - thương mại - đầu tư; hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục – đào tạo; hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; an ninh – quốc phòng…

Trong Tuyên bố chung có đoạn: Hai lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Trong khuôn khổ quan hệ mới này, hai Nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt – Mỹ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực sau đây nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden - 12

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Về chính trị-ngoại giao, hai lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị-ngoại giao và sẽ thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở tất cả các cấp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố lòng tin chính trị.

Hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ việc nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại hiện có và dự định thiết lập cơ chế Đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ.

Hai nước khẳng định tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi để hoàn thiện việc xây dựng trụ sở các cơ quan ngoại giao và lãnh sự, cũng như bảo đảm số lượng nhân sự phù hợp tại các cơ quan đại diện trên cơ sở tuân thủ các công ước quốc tế mà hai nước là thành viên, các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Mỹ cũng như luật pháp mỗi nước.

Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương.

Về hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mỹ cũng khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Đối với hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế, Việt Nam và Mỹ sẽ phối hợp tại khu vực ĐBSCL và Đồng bằng Sông Hồng, trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm và hỗ trợ tự nguyện về kỹ thuật liên quan đến việc hiện đại hóa hạ tầng truyền tải điện, tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển thị trường khí hậu, giải pháp lưu trữ năng lượng và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho phép chuyển đổi năng lượng kịp thời và công bằng.

Liên quan việc thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động Việt Nam-Mỹ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt...

***

Đối tác Chiến lược Toàn diện là gì?

Dù chưa thống nhất định nghĩa về Đối tác Chiến lược Toàn diện nhưng có thể hiểu là quan hệ mà hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi như thương mại, đầu tư, năng lượng…. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với năm quốc gia gồm Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023).

Mời bạn đọc theo dõi Toàn văn Tuyên bố Chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm