Thị trường bất động sản thời gian gần đây xôn xao với thông tin Cơ quan Công an Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc cùng 21 đối tượng là các trưởng ban, trưởng phòng, kế toán, tổ trưởng, “diễn viên” đóng giả khách hàng mua bất động sản.
Trước đó, sáng ngày 31/8, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang Công ty Lộc Phúc đang mở sàn giao dịch bất động sản “ma” tại một bãi đất trống trên địa bàn xã An Viễn, huyện Trảng Bom để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, tổ chức hoạt động lừa đảo này được dàn dựng hết sức tinh vi, có kịch bản phân công, phân cấp, phân vai rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết cho từng thành viên, phải bằng mọi cách để đưa nạn nhân vào bẫy do chúng giăng sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản
Từ ngày sàn giao dịch bất động sản ảo này bị đánh sập đến nay, đã có khoảng 60 nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo mua bán bất động sản của Công ty Lộc Phúc, với số tiền giao dịch lên đến trên 70 tỷ đồng.
Không phải nhà đầu tư nào cũng hám lợi
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong nhiều năm qua, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã ưu ái trao quyền cho các chủ đầu tư dự án bất động sản được tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mỗi năm, các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở.
Nhưng, song song với đó, thời gian trước đã có không ít các công ty bất động sản “nói một đằng, làm một nẻo”, lập ra "dự án ma", đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý,… rồi sử dụng chiêu bài “chim mồi" và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng.
Hậu quả là gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản Việt Nam với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp, biểu tình,…
Sau thời gian chiêu trò này bị phát hiện, hàng loạt dự án “ma” bị xử phạt, các cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra văn bản cảnh báo, tỉ lệ khách chịu lên xe đi tham dự án vơi dần. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngay cả khi thị trường đang khó khăn, vẫn rất nhiều người bị “lùa" với các hình thức lừa đảo tinh vi hơn.
Để đưa các nhà đầu tư “vào tròng”, doanh nghiệp đã tuyển một lượng lớn nhân sự đóng vai làm môi giới bất động sản, sau đó hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội lấy hình ảnh những căn nhà đẹp, đăng lên website của công ty và các nền tảng khác để giới thiệu bán.
Nhiều người có nhu cầu mua nhà ở sẽ được hẹn gặp tại một địa điểm rồi đưa khách lên xe chở về một địa điểm hoàn toàn không liên quan tới nơi giới thiệu dự án ban đầu. Lúc này, trên xe được bố trí sẵn những "diễn viên quần chúng" được thuê giả làm "cò mồi" lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia.
Hầu hết khách hàng bị thao túng với những lời tư vấn quá “bùi tai” và các bài chim mồi, đánh vào tâm lý khách hàng như có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng, ….
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả nhà đầu tư đều vì hám lợi mà mắc bẫy lao vào những dự án “ma”. Bên cạnh những nhà môi giới vừa có tâm vừa có tầm, một bộ phần không nhỏ "cò" nhà đất hám lợi dụng tận dụng thời cơ để lừa khách hàng, đặc biệt là khách hàng sẵn tiền nhưng kiến thức còn non, không thể chọn lọc được thông tin tiếp nhận.
Nhiều vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác, với phương thức kinh doanh bất động sản “ma” như kiểu đa cấp với số nạn nhân lên đến hàng ngàn… là hệ lụy do thiếu hiểu biết, là thiệt thòi do thị trường và pháp luật hiện hành đang thiếu cơ chế ràng buộc đối với các đối tượng trung gian tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm, dự án bất động sản.
Theo VARs, thực tế hiện nay, dù có các quy định xử phạt, môi giới bất động sản vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia.
Theo đó, Luật pháp hiện hành đã có các quy định xử phạt môi giới bất động sản không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản cũng như kinh doanh dịch vụ môi giới mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết hạn. Tuy nhiên, mức phạt không nhiều, dao động từ 10-25 triệu đồng.
Đơn vị này phân tích thêm, thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ xe ôm, người bán nước tới công chức nhà nước,... đều có thể tham gia kết nối thực hiện giao dịch.
Thực tế, đây cũng chẳng phải là môi giới bất động sản đúng nghĩa. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng,... gây lũng đoạn thị trường.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của Môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.