Theo India Today, nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khí hậu học Alexandra Jahn từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ) và Celine Heuze từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển), đã sử dụng các mô hình máy tính tiên tiến để dự đoán thời điểm Bắc Cực không còn băng.
Nghiên cứu cho thấy băng biển Bắc Cực đang tan chảy với tốc độ chưa từng có, giảm hơn 12% mỗi thập kỷ do lượng khí nhà kính tăng cao. Nếu điều kiện này kéo dài trong ba năm liên tiếp, ngày không còn băng có thể xảy ra vào cuối mùa hè 2027.
Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) báo cáo năm nay diện tích băng biển Bắc Cực ở mức thấp nhất lịch sử, chỉ còn 4,28 triệu km², so với mức trung bình từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1978.
Các nhà khoa học định nghĩa Bắc Cực "không có băng" khi diện tích băng biển giảm xuống dưới 1 triệu km².
Alexandra Jahn nhấn mạnh rằng mặc dù ngày đầu tiên không còn băng có thể chưa gây ra những thay đổi ngay lập tức, nhưng sẽ đánh dấu một biến đổi cơ bản trong đặc điểm tự nhiên của Bắc Cực: lớp băng biển bao phủ quanh năm.
Bà nói: "Điều này cho thấy chúng ta đã thay đổi cơ bản một trong những đặc điểm nổi bật của môi trường tự nhiên tại Bắc Băng Dương".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể đẩy nhanh tiến trình này.
Chẳng hạn, mùa thu ấm bất thường có thể làm suy yếu băng hiện có, tiếp đó là mùa đông và mùa xuân ôn hòa ngăn cản sự hình thành băng mới.
Kịch bản này nhấn mạnh một điểm giới hạn quan trọng cho cả hệ sinh thái Bắc Cực và các mô hình khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng: việc cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính có thể trì hoãn tiến trình này và giảm bớt một số tác động.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.