Trong tháng 11, bên cạnh động thái trở lại mua ròng của khối ngoại, tổ chức trong nước là một trong hai bên xuống tiền nâng đỡ chỉ số. Về giá trị, họ mua ròng 3.101 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ gom ròng 1.834 tỷ đồng.
VN-Index tăng 20,48 điểm tương đương 1,99% trong tháng 11 kết thúc tháng ở mức 1.048,42 điểm, thanh khoản tăng 5,3% so với tháng trước, giảm 11,8% so với thanh khoản trung bình 5 tháng trước và giảm 40,6% so với trung bình 20 tháng.
Trong tháng 11, nhóm giảm điểm mạnh nhất là bán lẻ với tỷ lệ giảm 16,9%, theo sau là dầu khí với 9,6% trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh nhất 6,68% và chứng khoán tăng 3,85%.
Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm trừ nhóm truyền thông, cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá là 56,48%, nhóm tài nguyên cơ bản giảm mạnh thứ hai với 51,99%. Ở phía đối diện, nhóm xây dựng và vật liệu giảm 47,69%, không có một nhóm ngành nào tăng điểm từ đầu năm.
Trong tháng 11, bên cạnh động thái trở lại mua ròng của khối ngoại, tổ chức trong nước là một trong hai bên xuống tiền nâng đỡ chỉ số. Về giá trị, họ mua ròng 3.101 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ gom ròng 1.834 tỷ đồng.
Dòng tiền tổ chức trong nước tập trung rút khỏi nhóm bất động sản và thép
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 16/18 nhóm ngành.
Trong đó cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 987 tỷ đồng. Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị vào ròng lần lượt là 338 tỷ đồng và 302 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm công nghệ thông tin (292 tỷ đồng), bán lẻ (241 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (209 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 902,6 tỷ đồng. Trong tháng 11, ngành địa ốc vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh ngành này chưa ngừng điều chỉnh.
Nhóm ngành còn lại chịu áp lực bán ròng là tài nguyên cơ bản với 201 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, cổ phiếu tài nguyên cơ bản giảm mạnh thứ hai trên thị trường với tỷ lệ mất giá gần 52%.
Hoạt động mua bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn
Giao dịch lớn của tổ chức trong nước tuần chủ yếu tập trung ở loạt bluechips trong rổ VN30. Tại chiều mua, cổ phiếu CTG của VietinBank dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 307,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ nợ xấu (NPL) của CTG vẫn đang trong xu hướng tăng kể từ cuối năm 2021 đến cuối quý III/2022 nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn so với thời điểm đỉnh của dịch COVID-19 quý III/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 2 vẫn đang trong xu hướng gia tăng kể từ quý III/2021.
Tại cuối quý III/2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 đạt 1,8%, so với mức 1,05% tại cuối năm 2021 và 0,45% tại cuối quý III/2021. Điều này cho thấy các khoản nợ tái cơ cấu vẫn đang được xử lý theo lộ trình và sẽ được đưa về nợ đủ tiêu chuẩn trong những quý tiếp theo.
Điểm nhấn trong việc quản trị rủi ro của CTG đến từ chính sách trích lập dự phòng rất chủ động trong bối cảnh tỷ lệ nợ dưới chuẩn của ngân hàng vẫn đang trong xu hướng gia tăng.
Tại cuối quý III/2021, tỷ lệ LLR của CTG đạt 118,6% khi nợ dưới chuẩn của CTG đạt 2,12%; tỷ lệ này đã tăng lên mức 222,4% tại cuối quý III/2022 (đứng thứ hai toàn ngành, chỉ sau VCB) khi tỷ lệ nợ dưới chuẩn của CTG đạt 3,22%.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 300,2 tỷ đồng cổ phiếu FPT và 250,1 tỷ đồng mã ACB. Cùng chiều, hai đại diện khác từ nhóm VN30 là MWG và VNM cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 233,6 tỷ và 221,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB của VPBank chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 407,6 tỷ đồng.
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các cổ phiếu bất động sản như NVL và DIG với giá trị rút ròng lần lượt là 265,2 tỷ và 257,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu của Novaland chịu ảnh hưởng của việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh do nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp. Tính trong tháng 11, NVL đánh mất 2/3 giá trị với 17 phiên chất sàn liên tiếp và chỉ vừa mới được “giải cứu” vào phiên 28/11 với hơn 104 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trong khi đó, DIG được “giải cứu” từ nửa sau tháng 11 giúp mã này chỉ giảm 11% so với tháng 10.
Danh mục top 5 bán ròng còn có hai đại diện là HPG (109,4 tỷ đồng) và MSN (143,3 tỷ đồng).