Cảm biến bóng xác định bàn thắng của Nhật Bản
Bàn ấn định thắng lợi 2-1 của Nhật Bản trước Tây Ban Nha tại lượt cuối bảng E World Cup 2022 rạng sáng nay ban đầu bị trọng tài khước từ. Tuy nhiên, sau khi xem lại VAR, ông đảo ngược quyết định. Đây là tình huống gây nhiều tranh cãi bởi đa số góc quay cho thấy bóng đã ra ngoài sân. Nhưng riêng góc quay đứng, được xử lý bởi camera độ nét cao và cảm biến tích hợp bên trong quả bóng cho thấy một phần rất nhỏ của bóng chưa hoàn toàn ra khỏi vạch vôi. Khoảng cách này chỉ vài mm và gần như không thể phân biệt bằng mắt thường.
Bàn thắng của tiền vệ Kaoru Mitoma gây chú ý bởi lần này, công nghệ cao đã giúp định đoạt số phận của cả bảng đấu. Nếu không có pha làm bàn này, Nhật Bản đã bị loại và Đức là đội tuyển vào vòng tiếp theo cùng Tây Ban Nha.
Không công nhận bàn thắng của Ronaldo
Phút 54 trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay ngày 29/11, cầu thủ Fernandes tạt bóng từ bên trái cho Ronaldo lao xuống đánh đầu. Bàn thắng ban đầu được tính cho Ronaldo. Nhưng sau đó, ban tổ chức xem lại hình ảnh từ VAR và thay đổi quyết định khi tính cho Fernandes.
Theo Adidas, nhà cung cấp trái bóng cho World Cup, cảm biến trong Al Rihla cho thấy không có bất kỳ rung động nào khi bóng đi qua vị trí của Ronaldo. Có nghĩa, siêu sao Bồ Đào Nha chưa chạm bóng. Hãng cũng đưa ra biểu đồ rung động gần giống biểu đồ nhịp tim để minh chứng.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động 'ghi công' ngay trận đầu
Công nghệ bắt việt vị bán tự động được sử dụng ngay trong những phút đầu trận đấu giữa Ecuador và nước chủ nhà Qatar. Enner Valencia đánh đầu cận thành tung lưới Qatar, nhưng sau thông tin từ phòng VAR, pha làm bàn không được công nhận. Lỗi được xác định thuộc về một cầu thủ Ecuador đã việt vị trước đó.
Trong video quay lại, tình huống được mô phỏng dưới dạng 3D, đạt độ chi tiết cao gồm cả tư thế và cử động chân tay của từng cầu thủ. Phần chân phải của số 11 tuyển Ecuador đã nằm ở dưới cầu thủ đối phương khi đồng đội chuyền bóng. Chênh lệch chỉ khoảng 20 cm.
Trước đó, các công nghệ như Goal-line chỉ xác định và mô phỏng 3D hình dạng trái bóng hay VAR sử dụng vạch kẻ bằng máy tính để xác định một cầu thủ đã việt vị hay chưa. Sự khác biệt của công nghệ bắt việt vị bán tự động thể hiện ở việc hệ thống máy tính có thể mô phỏng vị trí từng bộ phận cơ thể, hạn chế tối đa tình huống gây tranh cãi.
Bắt việt vị qua mỏm vai
Phút 28 trong trận giữa Argentina và Saudi Arabia ngày 22/11, Lautaro Martinez nhận được đường chuyền từ Papu Gómez và băng xuống dứt điểm nâng tỷ số lên 2-0. Ít phút sau, khi tham khảo VAR, trọng tài từ chối bàn thắng. Theo luật bắt việt vị mới, cầu thủ sẽ bị việt vị nếu mỏm vai ở dưới vị trí đứng của hậu vệ đối phương (còn phần cánh tay không bị tính). Hình ảnh đồ họa 3D cho thấy Martinez bị bắt việt vị bởi mỏm vai ở dưới vài cm.
Đây cũng là bước ngoặt của trận đấu, vì nếu được công nhận, Argentina sẽ dẫn 2-0 và Saudi Arabia rất khó lội ngược dòng thành công.
Trọng tài khước từ bàn thắng của Pháp khi trận đấu đã kết thúc
Tiền đạo Antoine Griezmann ghi bàn gỡ hòa cho Pháp ở phút bù giờ trong trận gặp Tunisia ngày 30/11. Trọng tài Matthew Conger nổi ba hồi còi kết thúc trận. Nhưng sau đó, với sự gợi ý của tổ VAR, trọng tài người Newzealand đã xem lại tình huống được làm chậm... và ông đã hủy bàn thắng của đội Pháp vì lỗi việt vị. Tuy nhiên, trong tình huống này, công nghệ bắt việt vị bán tự động không được chiếu chậm dưới hình ảnh 3D chi tiết.
Các sân đấu tổ chức World Cup 2022 sử dụng 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái và được đồng bộ hóa để phục vụ cho công nghệ bắt việt vị bán tự động. Dữ liệu theo dõi quang học xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí của bóng, phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây. Những thông tin này giúp hệ thống máy tính đưa ra hình ảnh 3D tương tự tư thế của cầu thủ.
Ngoài ra, Al Rihla, trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022, có bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR. Hai công nghệ này kết hợp để theo dõi di chuyển của từng cầu thủ và "thời điểm bóng rời chân" chính xác trong thời gian thực bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo.