1. Xấu số
Doãn Minh Thiện từ nhỏ đã rất thích đọc sách, năm 7 tuổi, mẹ ông đưa cho ông cuốn "Truyền Kỳ Tinh Trung Nhạc Phi", ông đọc một cách say mê và lấy câu "thiên đường và địa ngục đều do tâm tạo ra" trong sách để làm phương châm sống. Năm 12 tuổi, vì gia đình thuộc tầng lớp địa chủ, nên sau khi cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc xảy ra, ông và mẹ đã bị tước hết tài sản và đuổi về quê sống.
Mặc dù gia đình rơi vào tình cảnh nghèo khó nhưng Doãn Minh Thiện vẫn rất tích cực và lạc quan. Thành tích học tập của ông ở trường cấp hai và cấp ba luôn thuộc loại tốt nhất, còn rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, vận rủi đã ập đến. Năm 1958, Doãn Minh Thiện đang học trung học thì bị người khác tố cáo là có những phát ngôn bất hảo. 3 năm sau, ông bị coi là phần tử phản cách mạng và bị đưa đến một nhà máy nhựa bên sông Dương Tử để cải tạo. Kể từ đó, ông bắt đầu chuỗi ngày cô đơn dai dẳng, hàng ngày ông cho lợn ăn, nhổ cỏ và quét dọn chuồng bò.
Để giải tỏa cảm xúc của mình, Doãn Minh Thiện đã nghiện sách, từ "Trung Quốc năm nghìn năm" đến "Sử Ký", từ "Tea House" đến "Bốn Thế Hệ Dưới Một Mái Nhà", thậm chí ông còn ôm theo cuốn từ điển tiếng Anh để đọc bản gốc tiếng Anh của cuốn "Thép Đã Tôi Thế Đấy". Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt đã 20 năm.
Năm 1979, chính quyền trung ương bắt đầu thực hiện chính sách phần tử trí thức, và Doãn Minh Thiện, 41 tuổi, cuối cùng đã được thả tự do. Tại thời điểm được lấy lại sự tự do, ông thở dài nói: "Khương Tử Nha 81 tuổi xuất sơn, tôi chỉ mới 41 tuổi, còn chưa muộn!"
2. Bỏ văn chương đi kinh doanh
Do có kỹ năng viết lách, ông được phân công làm giáo viên tại đại học truyền hình Trùng Khánh. Hai năm sau, ông trở thành biên tập viên tại nhà xuất bản Trùng Khánh.
Trong thời gian làm báo, Doãn Minh Thiện rất chăm chỉ phấn đấu, một năm, chỉ tính số người ông phỏng vấn thôi cũng đã lên đến 200 người, mỗi ngày đều sẽ đều đặn viết một bản bình luận kinh tế, nhờ đó ông đã nhanh chóng trở thành một nhà kinh tế học.
Đầu năm 1985, công ty của một người bạn cũ của Doãn Minh Thiện làm ăn thua lỗ năm này qua năm khác, ông được thuê vào làm cố vấn kinh tế, kết quả là trong vòng nửa năm, công ty của người bạn đó đã chuyển từ lỗ sang lãi, đạt được lợi nhuận hơn 30 ngàn USD. Nhận thấy tài năng kinh doanh của mình, Doãn Minh Thiện quyết định từ bỏ văn chương và bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh, đồng thời thành lập "câu lạc bộ sách giáo dục nghề nghiệp Trùng Khánh".
Bộ sách đầu tiên ông ấy biên tập là "Bộ Sách Dòng Tiền Dành Cho Học Sinh", đây là một bộ bách khoa toàn thư dành cho học sinh cấp 1 và cấp 2. Nó đã được săn đón ngay trong tuần đầu tiên xuất bản, số lượng bán ra trong 1 năm đạt 30 triệu bản, Doãn Minh Thiện cũng vì thế mà kiếm được 80 ngàn USD đầu tiên.
Trong ba năm sau đó, công việc kinh doanh của câu lạc bộ sách diễn ra rất suôn sẻ, điều này giúp Doãn Minh Thiện vững vàng đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng hiệu sách tư nhân hàng đầu ở Trùng Khánh. Tuy nhiên, Doãn Minh Thiện vẫn không hài lòng với hiện trạng, ông dứt khoát chuyển nhượng câu lạc bộ sách cho người khác và đeo ba lô lên, đi du lịch khắp đất nước.
Một lần, khi Doãn Minh Thiện về quê thăm mẹ, ông tình cờ gặp một thanh niên điều hành một xưởng sản xuất xe máy, người đó phàn nàn rằng động cơ dạo này khó mua quá.
"Nơi nào có phàn nàn, nơi đó có cơ hội kinh doanh!" Doãn Minh Thiện trong lòng có một tia linh cảm, ông sẽ sản xuất động cơ!
3. Thành công
Năm 1992, Doãn Minh Thiện, 54 tuổi, thuê một căn nhà rộng chưa đầy 40 mét vuông ở ngoại ô Trùng Khánh, tuyển 9 nhân viên và thành lập cơ sở nghiên cứu phụ tùng xe máy, lập chí chế tạo ra động cơ xe máy tiên tiến nhất Trung Quốc trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, do thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm nên Doãn Minh Thiện gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chế tạo động cơ. Nhưng ông vẫn tràn đầy tự tin và quyết định mua phụ kiện về để tự lắp ráp.
Một tháng sau, Doãn Minh Thiện tung ra lô động cơ đầu tiên, tất cả đều đạt tiêu chuẩn. Do giá cả ưu đãi và chất lượng tuyệt vời, doanh số bán động cơ đã tăng mạnh và xưởng nhỏ của ông cũng đã thành công trở thành tập đoàn Lifan.
Nhưng Doãn Minh Thiện chưa hề là một người an phận với hiện trạng, hay nói một cách khác là ông luôn muốn cố gắng phát triển khi có cơ hội, vì thế ông đã sử dụng 3 chiến lược để chắp cánh cho Lifan bay cao hơn nữa.
Đầu tiên, ông tập trung vào nghiên cứu sản phẩm và tung ra thị trường xe máy Lifan. Thứ hai, "liên minh" với bóng đá, ông mua lại câu lạc bộ bóng đá "Huandao" với giá cao và đổi tên thành "Lifan". Gây dựng sự nổi tiếng của câu lạc bộ bóng đá nhầm đánh bóng tên tuổi của dòng xe máy Lifan, kết quả đã đạt được hơn 200 triệu người hâm mộ trên toàn Trung Quốc.
Cuối cùng, ông tiến ra quốc tế, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông đã chọn xây dựng một nhà máy lắp ráp ở Nam Phi, thông qua Nam Phi để gây tiếng vang trên toàn bộ Châu Phi. Đến năm 2002, xe máy Lifan đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2010, Lifan được niêm yết trên thị trường cổ phiếu hạng A và Doãn Minh Thiện, 72 tuổi, có giá trị tài sản ròng hơn 1,5 tỷ USD.
Năm 2017, Doãn Minh Thiện, 79 tuổi, chính thức nghỉ hưu, ông dùng những trải nghiệm trong cuộc sống của mình để truyền động lực cho thế hệ sau, rằng: "Trên đời mãi mãi không bao giờ có sự bắt đầu nào là quá muộn cả!"