Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng gần 3.300 tỷ đồng trong tháng 10 đỏ lửa, tâm điểm dòng bất động sản, ngân hàng

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, VN-Index dừng tại mốc 1.027,94 điểm, giảm 28,83% so với tháng 9 và giảm 31,39% so với cuối năm 2021. VN30-Index thậm chí giảm 32,99% so với tháng trước về mốc 1.026,84 điểm, nếu tính từ đầu năm chỉ số rổ VN30 đã giảm 33,14%.

Bên cạnh sự sụt giảm về điểm số, dòng tiền ghi nhận suy yếu và chưa sẵn sàng trở lại trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.449 tỷ đồng và 548,13 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 14,53% về giá trị bình quân và tăng 3,97% về khối lượng bình quân so với tháng 9.

Tính đến hết tháng 10, sàn HOSE có 34 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có duy nhất Vietcombank (VCB) duy trì vốn hóa trên 10 tỷ USD.

Thống kê giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng duy nhất, lực cầu của khối này đối ứng với giao dịch bán ròng của các nhóm còn lại. Trong đó, tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) bán ròng 3.287 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 582 tỷ đồng.

Dòng tiền tổ chức nội tập trung rút khỏi cổ phiếu bất động sản, ngân hàng

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước có phần ưu thế khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành.

Là một trong các nhóm ngành giảm sâu nhất tháng 10, cổ phiếu bất động sản là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng vừa qua với hơn 951 tỷ đồng, quy mô gấp 3,1 lần tháng trước đó. Tương tự, cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng. Về giá trị, tổ chức nội đã bán ròng gần 385 tỷ đồng nhóm này trong tháng 10.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là tài nguyên cơ bản (220 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (78 tỷ đồng), dầu khí (45 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (24 tỷ đồng).

Thống kê của FiinTrade cho thấy, hai nhóm giảm điểm mạnh nhất trong tháng 10 là tài nguyên cơ bản (22,89%) và chứng khoán (20,99%). Tính từ đầu năm, cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm mạnh nhất với 57,78%.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu điện, nước, xăng dầu khí đốt vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với gần 454 tỷ đồng. Nhóm ngành này ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 2,31% về 1,44%.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm và đồ uống (414 tỷ đồng) và bán lẻ (390 tỷ đồng). Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm hàng cá nhân & gia dụng (286 tỷ đồng), công nghệ thông tin (210 tỷ đồng), bảo hiểm (154 tỷ đồng), hóa chất (69 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (18 tỷ đồng), y tế (7 tỷ đồng).

Nhóm ngân hàng là tâm điểm giao dịch, TCB trở lại hút tiền

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng vừa qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 722,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 500 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật mới đây về Techcombank, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sau động thái nâng lãi suất điều hành củaNgân hàng Nhà nước (NHNN), áp lực từ chi phí vốn của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trong quý IV. Cùng với đó, tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng khó tăng trở lại khi người dân chọn gửi tiết kiệm hơn là để tiền nhàn rỗi. 

Chuyên gia của KBSV dự báo tăng trưởng huy động cả năm của Techcombank đạt 19,5% với động lực chính vẫn tới từ thị trường 2 và giấy tờ có giá, giả định tăng trưởng tiền gửi cả năm đạt 2,7%. Biên lãi thuần (NIM) cả năm 2022 sẽ giảm 0,24 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 5,47%. 

Nối tiếp hoạt động giải ngân vào TCB, các tổ chức nội cũng gom ròng 489,5 tỷ đồng cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngoài ra, danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các bluechip như HPG (424,9 tỷ đồng), MBB (410 tỷ đồng), cùng với chứng chỉ quỹ FUEVFVND (351,4 tỷ đồng).

Mặc dù gom ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng như TCB, VPB, MBB, mã ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 229 tỷ đồng.

Quan sát giao dịch rút vốn của các tổ chức nội, VNM và GAS cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 246,3 tỷ đồng và 232,2 tỷ đồng. Hoạt động rút ròng còn được chứng kiến ở PNJ (231 tỷ đồng) và MWG (202,7 tỷ đồng).

  Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm

Mở cửa với lực bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 1.200 điểm nhưng sau đó dần cải thiện nhờ VIC, VHM, LPB, VNM… và chốt phiên giảm hơn 19 điểm.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Bamboo Airways có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Minh Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air, nay chuyển sang làm Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Diễn biến mới vụ chuyển nhượng đất công giá rẻ cho Quốc Cường Gia Lai

Sau bản án sơ thẩm, Viện Kiểm sát đã quyết định kháng nghị và cho rằng, hành vi phạm tội phải được xác định kéo dài từ khi hành vi đó xảy ra cho đến khi Nhà nước lấy lại được quyền quản lý tài sản hoặc khi tội phạm bị ngăn chặn, chứ không phải là thời điểm các đối tượng phạm tội như bản án của TAND TPHCM đã tuyên.

Nhiều người dốc tiền mua vàng, chờ "lướt sóng" dịp Tết

Tranh thủ thời điểm giá vàng trong nước chững lại, nhiều người dân tìm đến vàng với kỳ vọng chờ giá vàng tăng vào dịp Tết Nguyên đán 2023 để “lướt sóng”. Trong khi đó, trên thị trường tự do, người nắm giữ USD lãi lớn khi giá liên tiếp tăng thời gian qua.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục đi lên trên các thị trường

Tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng trên khắp các thị trường trong bối cảnh trên thị trường thế giới, đồng bạc xanh cũng đang tăng khá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định tăng lãi suất.