Bắt cóc con gái 3 tuổi của bạn, nghi phạm khai ý định trên đường bỏ trốn
Sáng 3/10, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) – Bộ Công an cho biết, Phòng CSGT – Công an tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp với lực lượng chức năng giải cứu cháu bé 3 tuổi thành công.
Clip: Công an bắt giữ nghi phạm bắt cóc trẻ em
Tối 2/10, Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa, Long An) đã bị công an bắt giữ.
Tại cơ quan công an, bước đầu Sơn khai nhận do chơi cờ bạc nên nợ tiền của nhiều người. Thời gian gần đây, các chủ nợ liên tiếp thúc ép nên Sơn túng quẫn.
Chiều 2/10, Sơn đến trường đón con và bé L.M.C (3 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tân An, là con của anh T. – bạn Sơn). Sau khi gửi con về nhà nội, Sơn đưa bé C. bỏ chạy về hướng TP.HCM. Trên đường đi, Sơn gọi điện cho gia đình nạn nhân, yêu cầu đưa 2 tỷ đồng tiền chuộc. Sau đó, Sơn hạ xuống 1 tỷ đồng.
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an lấy lời khai của Sơn.
Sau khi nhận được gần đủ 1 tỷ đồng, Sơn gửi bé C tại một khách sạn ở phường An Phú, TP Thủ Đức. Còn mình bắt xe khách lên Lâm Đồng với ý định trả xong nợ bài bạc sẽ đi tu, còn bị truy đuổi rát thì sẽ uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Tuy nhiên, khi đến địa bàn thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (Đồng Nai), Sơn bị công an bắt giữ.
Gia đình bé C. đã rất bất ngờ khi kẻ bắt cóc con mình lại chính là Nguyễn Thanh Sơn, bạn bè thân thiết với gia đình.
Hiệu trưởng: Cần xử lý việc phát tán clip “nữ sinh quỳ trước cửa lớp”
Hình ảnh học sinh quỳ trước cửa lớp bị cô giáo kéo lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Liên quan đến việc cô N.T.P, giáo viên Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) có hành vi không đúng chuẩn mực, mắng, đe dọa học sinh khiến một nữ sinh quỳ, khóc đến kiệt sức trước cửa lớp, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, khẳng định việc làm của cô P. là vi phạm đạo đức nhà giáo, không đúng chuẩn mực sư phạm, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Ông Hiền cho hay nhà trường sẽ đợi kết luận của cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật.
Bên cạnh đó, ông Hiền cũng cho biết việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh. Nếu kết luận của cơ quan công an là vi phạm Luật An ninh mạng, nhà trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Hiền cũng cho biết nhà trường chỉ cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích học tập. Ngoài mục đích học tập chắc chắn sẽ vi phạm quy định và cần phải nhắc nhở, có hình thức xử lý phù hợp.
9 cháu bé ngộ độc, 1 cháu tử vong sau khi ăn quà Trung thu
Cháu bé được xác định tử vong trước khi đến bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: CN
Ngày 3/10, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM vẫn đang phối hợp cùng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và cơ quan liên quan của TP Thủ Đức làm rõ nguyên nhân nghi ngộ độc sau khi ăn bánh khiến 9 cháu bé ngộ độc, 1 cháu bé tử vong.
Theo tìm hiểu, phần bánh nghi khiến các cháu bé bị ngộ độc là bánh su kem. Bánh này được bà Đ.T.T.T., chủ một cửa hàng tại quận Bình Thạnh tài trợ cho Chương trình Trung thu của chung cư Palm Heights (phường An Phú).
Đến chiều 29/9, BQL chung cư tổ chức phát 230 phần quà (trong đó có bánh su kem) cho các cháu. 1 ngày sau, bà Phan Thị U. (nhân viên vệ sinh của chung cư) mang 5 bánh su kem về nhà và cùng hai con sử dụng. Sau khi ăn bánh, cả 3 mẹ con có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy.
Sau đó các cháu được đưa đi khám ở phòng khám và nhận thuốc về điều trị.
Tới chiều 1/10, bé N được đưa vào bệnh viện cấp cứu với tình trạng tím tái toàn thân. Bệnh viện xác định cháu đã tử vong ngoài viện.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định có 10 cháu nghi ngộ độc sau khi ăn bánh su kem. Trong đó có 1 cháu tử vong.
Yêu cầu báo cáo vụ “giang hồ mạng” Phú Lê nhảy múa trong Đêm hội Trăng rằm ở trường học
Chiều 3/10, ông Kháng A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), xác nhận thông tin “giang hồ mạng" Phú Lê nhảy múa, hát trong chương trình Đêm hội trăng rằm ở trường học. Theo ông Kháng A Chua, huyện sẽ có hướng xử lý sự việc.
"Giang hồ mạng Phú Lê" mặc đồ như vua chúa nước ngoài thời phong kiến hát hò trong trường học. Ảnh: Facebook
Trước đó, MXH đăng tải hình ảnh chương trình "Đêm hội trăng rằm" có sự xuất hiện của người biểu diễn trên sân khấu với trang phục như vua chúa nước ngoài thời phong kiến trước nhiều em nhỏ. Người biểu diễn này là Phú Lê (tên thật là Lê Văn Phú, ở Hà Nội).
Ngay sau khi clip được đăng tải, nhiều bình luận bày tỏ bất bình với trang phục biểu diễn cũng như việc để một "giang hồ mạng" xuất hiện trong trường học.
Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, giải thích trước đó theo kế hoạch của huyện đã tổ chức trung thu cho 2 đơn vị trường rồi, còn việc này theo báo cáo của nhà trường là đơn vị từ thiện lên tổ chức riêng cho học sinh. Hiện, phòng đã yêu cầu nhà trường báo cáo giải trình sự việc và đơn vị cũng đã có báo lên huyện.
Được mệnh danh là "giang hồ mạng", Phú Lê thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video clip đeo đầy trang sức vàng trên người thể hiện sự giàu có, cũng như liên tục rao giảng về "tình nghĩa anh em", "nghĩa khí giang hồ" trên mạng xã hội.