Tại chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay, ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc CTCP Western Pacific, công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, đánh giá tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh việc làm ăn của doanh nghiệp trong quý IV tiếp tục khó khăn.
Theo ông Vương, tín dụng tăng thấp và chủ yếu tăng do doanh nghiệp vay để trả nợ. Ông lấy ví dụ một doanh nghiệp vay vốn 100 tỷ đồng với lãi suất 10%. Nếu doanh nghiệp làm ăn được, số tiền lãi được trả bằng lợi nhuận. Nhưng nếu không làm ăn được, số tiền lãi vay sẽ phải trả bằng tiền đi vay.
"Nếu tăng trưởng tín dụng khoảng 5 – 6% thì nghĩa là chỉ vay thêm để trả lãi vay, không phải tăng ở khoản đưa vào sản xuất kinh doanh", ông nói thêm.
Theo ông, nhóm doanh nghiệp hoạt động bình thường thường vay vốn lưu động 6 tháng, 9 tháng, tuy nhiên các khoản vay này không tạo ra tăng trưởng tín dụng, vay vốn trung và dài hạn mới thường đóng góp vào tăng trưởng tín dụng.
Dữ liệu mới nhất của NHNN cho thấy tính đến 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước và còn cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm (14 - 15%).
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm ngoái và cùng kỳ các năm nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây. Trong nửa cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng nhích thêm 1,36 điểm %.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay rất khó để đạt mục tiêu 13 - 15%, tối đa chỉ có thể đạt khoảng 9 - 10%.
Theo ông Huân, dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân là do các ngân hàng trước đó huy động lãi suất cao nên khó giảm mạnh lãi vay. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn.
Để khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế, chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng phải đẩy mạnh các giải pháp kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhẳm giảm bớt chênh lệch cung cầu tín dụng, đồng thời có thể nghiên cứu, xem xét giữa giảm bớt một số tiêu chí để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dòng tín dụng ngân hàng.
Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn
Không hấp thụ được vốn cũng đang là vấn đề lo lắng nhất của cộng đồng doanh nghiệp TP HCM. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), mặc dùmặt bằng lãi suất đã giảm, thậm chí giảm sâu so với trước đây nhưng vốn vẫn không được hấp thụ.Điều này, chứng tỏ doanh nghiệp không có nhu cầu cũng như chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Phần lớn doanh nghiệp cho biết không có nhu cầu vay mới ở thời điểm này. Họ không biết vay để làm gì trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều điểm sáng," ông Hòa cho biết trong lầngặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong vấn đề tiếp cận vốn.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết ở thời điểm này, vẫn không có nhiều doanh nghiệp gỗ có nhu cầu vay mới để đầu tư máy móc, vật liệu mà chủ yếu vay để đảo nợ cũ.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp này gặp hai vấn đề chính là lãi vay các khoản nợ cũ còn khá cao và không vay mới được do hết tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, khả năng nhảy nhóm nợ sau khichính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết thời hạn áp dụng cũng là "bài toán đau đầu" của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa thực sự phục hồi.
Từ phía nhà điều hành, NHNN đã tổ chức 12 Hội nghị, cuộc họp, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; tổ chức các Hội thảo khoa học tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Đặc biệt, NHNN đã tổ chức 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết chưa bao giờ NHNN phải điều hành chính sách trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Ông cũng tiết lộ NHNN hiện như đang đứng giữa "hai dòng nước" trong việc điều hành. Một mặt, nếu cứ tháo điều kiện tín dụng thì chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng lên, “cục máu đông” mới tạm thời xử lý hết có thể lại quay trở lại và lại rơi vào vòng luẩn quẩn xử lý nợ xấu. Nhưng nếu không tạo điều kiện, thì tín dụng không tăng được và sẽ không có tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết tình trạng này, Phó Thống đốc cho rằng cần phải tìm ra một điểm cân bằng để vừa tháo gỡ điều kiện tín dụng, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Trên website, Western Pacific tự giới thiệu là nhà cung cấp các dịch vụ logistics và là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển mô hình LIC (cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics - logistics industrial cluster) tại Việt Nam.
Western Pacific hiện là chủ đầu tư dự án Trung tâm logistics thông minh tại khu công nghiệp Yên Phong II-A theo mô hình LIC. Đây là khu công nghiệp vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đồ án quy hoạch với quy mô khoảng 159 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.830 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư Western Pacific là 275 tỷ đồng.