6 sản phẩm đạt giải gồm: tự động hóa quy trình bằng robot ảo ở mô hình SaaS (RPAaaS) - UBot & UVote; ký kết xác thực toàn trình - FPT.eContract & FPT.CeCA; chống giả mạo xác thực số - FPT.IDCheck; điện toán đám mây FPT Cloud; ứng dụng FPT Play; dịch vụ tổng đài ảo FPT Oncall. Đây là năm thứ 6 Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 tổ chức nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Các sản phẩm kể trên nằm trong hệ sinh thái công nghệ Made by FPT ứng dụng các công nghệ mới nhất như: AI, blockchain, cloud, big data, hyper automation, IoT... Sản phẩm hướng đến mục tiêu thấu hiểu, phục vụ thông minh và mang lại giá trị tối đa cho 24 giờ mỗi ngày suốt tất cả giai đoạn cuộc đời của các công dân số. Tập đoàn kỳ vọng mang lại những giá trị thiết thực cho người dân Việt Nam, hàng chục nghìn doanh nghiệp và tổ chức trên phạm vi toàn cầu trong mọi lĩnh vực.
Trong suốt hành trình 35 năm, FPT không ngừng đổi mới, sáng tạo tiên phong trong các xu hướng công nghệ mới, nâng cấp hệ sinh thái công nghệ Made by FPT. Tập đoàn hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đơn vị cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột: kinh tế số, xã hội số Chính phủ số. Hệ sinh thái công nghệ được đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới nhất.
Đã có hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng mỗi năm nhận được hỗ trợ từ hệ sinh thái công nghệ AI của FPT. Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh việc hình thành cộng đồng nghiên cứu AI thông qua trung tâm trí tuệ nhân tạo đang được triển khai tại Quy Nhơn, Bình Định.
Hơn 100 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh cùng hơn 10.000 lập trình viên, tiêu biểu như: GreenFeed, World Bank... sử dụng các dịch vụ thuộc hệ sinh thái Cloud của FPT giúp tăng tốc đổi mới sáng tạo. Qua đó, các đơn vị tạo ra bước nhảy vọt về năng suất lao động, trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong thời đại số.
Hiểu giá trị của dữ liệu, FPT thiết kế hơn 40 mô hình tiện ích, khai phá và tận dụng tiềm năng dữ liệu, thay đổi phương thức kết nối. Từ đó, tập đoàn mong muốn mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn. Như trong lĩnh vực hành chính công, mô hình tiện ích từ tập đoàn đã hỗ trợ 90% thủ tục hành chính tại Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng thực hiện hoàn toàn online.
Dựa trên thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi số của tập đoàn và đặc thù, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, FPT đồng hành hỗ trợ mỗi tỉnh - thành phát triển toàn diện, hướng đến mô hình quốc gia số, thích ứng linh hoạt với mọi thách thức. Hiện đơn vị đang cùng gần 30 tỉnh, thành trên toàn quốc triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, chuyển đổi số đã trở thành khát vọng của quốc gia. "Điều FPT tâm huyết nhất là bằng chuyển đổi số, Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, mỗi người dân có một cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh và các doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá", ông nhấn mạnh.
2023 là năm thứ 35 trong hành trình phát triển của FPT. Tập đoàn đặt ra sứ mệnh mới trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc. Thông qua những dịch vụ, giải pháp sáng tạo về công nghệ, đơn vị tiếp tục song hành cùng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên hành trình kiến tạo trải nghiệm hạnh phúc. Đến năm 2030, FPT sẽ có một triệu nhân lực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là hoạt động thường niên của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.