Mục tiêu đầu tư xây dựng khu bảo dưỡng tàu bay và kinh doanh cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, đáp ứng yêu cầu khai thác của cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Quy mô đầu tư xây dựng công trình dịch vụ bảo dưỡng tàu bay cùng hệ thống thiết bị đáp ứng khả năng bảo dưỡng tại một thời điểm cho 1 tàu bay code E và 2 tàu bay code C; xây dựng nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tổng vốn đầu tư khoảng 785 tỉ đồng/dự án. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến khoảng 18 tháng. Thời hạn thực hiện dự án khoảng 24 năm 8 tháng, kể từ ngày hoàn thành đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam là bên mời thầu, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý 2, quý 3-2024.
Khu vực bảo dưỡng máy bay được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Chẳng hạn như Vietnam Airlines; Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO), Vietjet, Công ty cổ phần Kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Vietravel Airlines, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo), Công ty TNHH dịch vụ bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM), Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Hàng không (AESC).
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000ha, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỉ đồng. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất, hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Trong giai đoạn 1 có 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước do các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 2 xây dựng công trình phục vụ quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 xây các công trình thiết yếu do ACV làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 có tổng mức đầu tư 6.366 tỉ đồng bao gồm nhiều công trình, tương ứng với các dự án độc lập. Cục Hàng không Việt Nam được giao lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.