Doanh nghiệp

Tìm cơ hội cho doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Hội thảo"Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới" sẽ diễn ra từ 14h ngày 22/3, trực tiếp trên VnExpress. Trong bối cảnh thương mại điện tử là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp để bứt phá, tìm đường ra biển lớn, hội thảo nhằm gia tăng hiểu biết về pháp luật, kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp về triển khai thương mại điện tử. Đây cũng là cơ hội kết nối doanh nghiệp với các sàn cũng như các chuyên gia trong ngành, đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới.

Đăng ký tham gia tại đây

Sự kiện thuộc chuỗi webinars trong Chương trình truyền thông và tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp của Dự án IPSC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan chủ quản.

Tham gia sự kiện có ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Trần Như An, Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), đại diện Bộ Công Thương, đại diện Trung tâm trọng tài quốc tế, đại diện MSB, Tiki, Amazon Global Selling Việt Nam, Công ty Khánh Trình, LogoZen LLC (Mỹ)...

Với hai phiên thảo luận chính gồm: "Điều kiện tham gia và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử" và "Những bài học thực tiễn để doanh nghiệp bứt phá", các chuyên gia sẽ cho độc giả thấy bức tranh rõ nét về hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới hiện nay.

Đại diện nhiều sàn thương mại điện tử lớn, như bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội của Tiki, sẽ chia sẻ về mô hình, chiến lược kinh doanh B2B, B2C, đặc biệt là những bài học đúc kết cho các doanh nghiệp mới tiếp cận, đang tăng trưởng trên sàn.

có đến 71% người Việt đã thực hiện ít nhất một giao dịch trực tuyến trong năm 2021.

Sản phẩm trên một sản thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông

Từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua kênh online, Giám đốc Khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam, ông Trịnh Khắc Toàn sẽ phân tích cụ thể về điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Là kênh xuất khẩu tiềm năng nhưng thương mại điện tử xuyên biên giới còn khó tiếp cận với nhiều doanh nghiệp Việt bởi lo ngại nhiều rủi ro liên quan đến thương mại, tỷ giá, vận hành... Giải đáp những thắc mắc này, ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam sẽ đưa ra các nhận diện rủi ro pháp lý trong giao dịch điện tử, biện pháp phòng tránh, được phân tích qua các tranh chấp thương mại điển hình.

Từ đó, các cảnh báo, lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu để tránh rủi ro tiền bạc hay pháp lý sẽ được chia sẻ bởi ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Giám đốc Kênh bán hàng & Phân phối - Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Đặc biệt, đại diện nhiều doanh nghiệp đang tăng trưởng, thành công với kênh thương mại điện tử sẽ đem đến câu chuyện đưa các sản phẩm thuần Việt "xuất ngoại", những khó khăn gặp phải và giải pháp vượt qua thách thức.

Dưới sự điều phối của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, phiên thảo luận bàn tròn giữa đại diện sàn, doanh nghiệp, chuyên gia về thương mại điện tử sẽ là cuộc trao đổi cởi mở về thách thức, cơ hội của doanh nghiệp và hướng đi trong bình thường mới.

Xu hướng tiêu dùng của người dùng đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là sau hơn hai năm trải qua đại dịch. Theo báo cáo e-Conomy 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, có đến 71% người Việt đã thực hiện ít nhất một giao dịch trực tuyến trong năm 2021.

Thương mại điện tử trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu, mà Việt Nam không ngoại lệ. Với quy mô 13 tỷ USD năm 2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á, được dự đoán sẽ giữ ngôi "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm