-
Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...Tại: Sốt ruột với tài chính xanh
-
Thời gian vay áp dụng đối với người mua nhà nên kéo dài 20 năm để người thu nhập thấp có khả năng tích góp trả nợ.Vay gói 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà xã hội: Người được ngay, kẻ phải chờ
Ngày 23-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng tỉ giá trung tâm thêm 3 đồng, lên mức 24.275 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng hơn 400 đồng. Giá USD ở các NH thương mại cũng tiếp tục đi lên khoảng 25.178 - 25.488 đồng/USD (mua - bán), tăng 3 đồng so với hôm trước. Mức tăng so với đầu năm 2024 hiện đã xấp xỉ 5%, được xem là khá nóng so với những năm trước.
Ảnh hưởng xuất khẩu và giá cả hàng hóa
Trong lúc xuất khẩu đang hồi phục và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu đầu vào tăng mạnh để đáp ứng cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu, việc tỉ giá tăng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lẫn xuất khẩu, nhất là DN phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng trở lại; vận chuyển quốc tế ách tắc, đắt đỏ… đã ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết những ngày gần đây, giá nguyên liệu dệt may tại thị trường Mỹ biến động liên tục do ảnh hưởng của giá đồng USD và xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Riêng về tỉ giá, dù VitaJean nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu bằng USD nhưng chênh lệch mua - bán đồng USD vẫn khiến DN mất một khoản lợi nhuận.
"Tại VitaJean, nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 40%, hợp đồng vận chuyển cũng ký bằng tiền USD. Vì vậy, tỉ giá tăng trong lúc chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt gấp 3-4 lần trước đây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu" - ông Việt nêu khó khăn.
Đại diện 1 DN bán lẻ tại TP HCM cho biết tỉ giá tăng không chỉ tác động trực tiếp đến DN xuất nhập khẩu mà còn gián tiếp đẩy chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề tăng. Bốn tháng đầu năm 2024, các DN sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu đã đề xuất tăng giá do chi phí đầu vào tăng. Dù vậy, không ít DN đang chịu đựng để chờ tỉ giá hạ nhiệt.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (chuyên về trứng gia cầm), cho rằng sức mua trên thị trường vẫn rất yếu nên DN chưa thể điều chỉnh giá tăng theo tỉ giá được. "DN phải cắt giảm lợi nhuận để gồng gánh thêm một thời gian để xem tình hình diễn biến thế nào rồi tính tiếp" - ông nói.
Tăng niềm tin cho VNĐ
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định sức ép tỉ giá liên tục sẽ tác động tới việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Các DN xuất khẩu những mặt hàng không thiết yếu hoặc bị cạnh tranh nhiều cũng sẽ khó tăng giá theo đà biến động của tỉ giá. Như dệt may, da giày…, DN khó tăng giá đơn hàng xuất khẩu trong khi đầu vào nhập khẩu nguyên phụ liệu chi phí bị đội lên" - PGS-TS Huân nhận xét.
Chưa kể, tỉ giá tăng sẽ tạo sức ép lên lãi suất. Khi lãi suất VNĐ - USD không còn chênh lệch, khối ngoại sẽ rút ròng và thực tế là nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán nhiều tháng qua. Bởi lẽ, nếu lãi suất ở Việt Nam và Mỹ ngang bằng nhau, nhà đầu tư sẽ ưu tiên chuyển vốn về Mỹ để không chịu rủi ro tỉ giá.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, tỉ giá tăng chủ yếu do chỉ số USD trên thế giới tăng nhanh trong những tháng đầu năm, gây áp lực cho những đồng tiền khác, trong đó có VNĐ.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã theo rất sát diễn biến tỉ giá của VNĐ và các đồng tiền trên thế giới để có những biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ. Cụ thể, NHNN đã thông qua việc phát hành tín phiếu hút bớt lượng tiền dư thừa, từ đó giảm bớt áp lực tỉ giá, để biến động trong ngưỡng cho phép, tránh áp lực lên tỉ giá.
"Những ngày gần đây, áp lực tỉ giá tăng cao hơn do nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế và nhu cầu nhập khẩu tăng nhanh. Đây là tín hiệu tốt trong quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng tạo áp lực lên tỉ giá. Để bảo đảm phòng ngừa rủi ro, năm nay, một xu hướng đáng chú ý của các DN là tăng mua ngoại tệ kỳ hạn, việc này cũng gây thêm áp lực cho tỉ giá" - ông Phạm Chí Quang nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định tỉ giá sẽ còn tăng tiếp từ nay đến cuối năm do đồng USD mạnh lên; căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông khiến nhà đầu tư và thị trường tìm đến USD như "kênh trú ẩn". Ở thị trường trong nước, các kênh đầu tư chưa khởi sắc, như chứng khoán biến động mạnh, thị trường vàng vẫn "nóng", lãi suất tiền gửi duy trì ở vùng đáy… khiến nền kinh tế chưa được vực dậy mạnh mẽ để làm VNĐ mạnh lên.
"Riêng việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn. Do đó, giải pháp bền vững cho tỉ giá phải là kinh tế ổn định và phục hồi mạnh mẽ, niềm tin vào VNĐ tăng sẽ giúp đồng nội tệ phục hồi" - TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.