Sức khỏe

TikToker nổi tiếng gặp biến chứng sau 6 năm ‘bị lừa’ tiêm silicon

TikToker V.P.T chia sẻ hình ảnh biến chứng gây sưng mặt sau 6 năm bị lừa tiêm silicon - Ảnh: Chụp màn hình

TikToker V.P.T chia sẻ hình ảnh biến chứng gây sưng mặt sau 6 năm bị lừa tiêm silicon - Ảnh: Chụp màn hình

Biến chứng sau tiêm silicon

Gần đây trên mạng xã hội xôn xao về những video của nữ TikToker V.P.T chia sẻ về biến chứng khi làm đẹp.

Theo TikToker này, 6 năm trước, cô được một thẩm mỹ viện tài trợ tiêm filler miễn phí. Sau đó, gương mặt cô không có vấn đề gì cho tới 6 tháng trước cô phát hiện hai má có dấu hiệu sưng to.

Ban đầu, khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán viêm cơ hàm và cho thuốc điều trị. Sau đó, mặt T. bớt sưng nhưng lại xuất hiện khối cứng hai bên má.

"Nghĩ do mình đã tiêm filler trước đó nên tôi đi tiêm tan filler. Thế nhưng, sau khi thăm khám kỹ bác sĩ thông báo không có filler mà tôi bị thẩm mỹ viện đó tiêm silicon vào mặt.

Lúc này mình mới nhận ra mình đã bị lừa tiêm silicon. Nếu mình biết đó là silicon thì không bao giờ mình tiêm vào người", nữ TikToker chia sẻ trong clip.

Tại bệnh viện, cô được chỉ định nhập viện để lấy silicon ra khỏi mặt vì tình trạng nặng, bị áp xe. Thậm chí, nếu để tình trạng nặng hơn sẽ dẫn tới hoại tử, phải xử lý phẫu thuật cắt bỏ.

Silicon lỏng bị cấm sử dụng để tiêm cho người

Chia sẻ về biến chứng của nữ TikToker này, TS.BS Tống Hải, chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), cho biết silicon dạng gel lỏng là chất cấm sử dụng trên cơ thể con người ở dạng tiêm trực tiếp vào cơ thể.

Bác sĩ Hải nêu rõ khi tiêm vào cơ thể, silicon lỏng có thể gây những biến chứng cấp tính như viêm đỏ tại chỗ tiêm, gây đau nhức, gây thuyên tắc mạch (khi bơm vào mạch máu), gây lồi lõm xấu (khi tiêm sai vị trí hoặc chỉ định sai vùng tiêm), dị ứng (hiếm gặp).

Ngoài ra, nạn nhân có thể gặp các biến chứng xa như biến dạng vùng tiêm, gây xâm lấn mô, viêm loét hoại tử, chảy dịch mủ kéo dài.

"Silicon khi vào cơ thể sẽ di chuyển chèn ép thần kinh, mạch máu gây co thắt, biến dạng vùng mặt hoặc hoại tử chảy dịch, mủ. Trường hợp này cần xử lý can thiệp phẫu thuật loại bỏ.

Việc phẫu thuật cần loại bỏ hoàn toàn nên các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ những mô xơ có silicon. Vì thế, có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vùng cơ bị silicon thâm nhiễm, dẫn đến vùng đó chỉ còn lớp da và một ít mô đệm.

Hiện nay, các bác sĩ có đủ kỹ thuật và công nghệ để hồi phục và làm đẹp được vùng tổn thương sau cắt loại bỏ silicon", bác sĩ Hải cho hay.

Theo bác sĩ Hải, tùy từng thời điểm xảy ra biến chứng, mức độ và ảnh hưởng của silicon mà bác sĩ có các hướng xử trí cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với môi, bác sĩ chỉ can thiệp xử lý khi có biến chứng. 

Với các vùng khác như cằm, má, ngực thì có thể cắt loại bỏ mô silicon từ khi có biểu hiện biến dạng, chưa bị hoại tử.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi có nhu cầu tiêm chất làm đầy cần sử dụng các sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp phép, biết rõ loại chất được tiêm vào cơ thể. 

Đặc biệt, phải lựa chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để làm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm