Nguy cơ thuyên tắc phổi và đột tử thường được chẩn đoán nhầm
Bác sĩ Trịnh Thế Cường, khoa hóa trị Bệnh viện E, cho biết bác sĩ vừa tư vấn giúp một bệnh nhân ung thư phổi không phải cắt cụt chi và thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Theo đó, bệnh nhân bị K phổi giai đoạn IV, đang được điều trị thuốc nhắm đích kết hợp chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh viện chuyên khoa. Tự nhiên bệnh nhân xuất hiện sưng chân 5 ngày nay, dùng thuốc lợi tiểu mà không đỡ.
Kết quả chụp hình ảnh cho thấy 2 chân sưng, da căng bóng, ấn không lõm, màu sắc da chưa thay đổi.
"Tôi khuyên tới ngay bác sĩ điều trị để loại trừ huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Nhưng sau 5 ngày khi bàn chân đã chuyển sang màu tím gia đình cho biết mới xin được chuyển tuyến. Khi đề nghị nhập viện cấp cứu ngay, kết quả tại trung tâm tim mạch Bệnh viện E, siêu âm cho thấy huyết khối tĩnh mạch chi 2 bên. Cũng may là huyết khối tĩnh mạch, huyết khối động mạch thì sợ không cứu được đôi chân mà còn ảnh hưởng đến tính mạng" - bác sĩ Cường nói.
Theo bác sĩ Cường, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới thường gặp ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn. Huyết khối có thể di chuyển gây tắc động mạch phổi, có thể gây tử vong nhanh.
Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể là: sưng, nóng, thay đổi màu sắc, đau. Thường gặp 1 chân, nhưng có thể 2 chân.
1. Sưng: Chân sưng lên bất thường, không cân xứng 2 bên, ấn không lõm như trường hợp phù do suy thận, suy tim.
2. Nóng: Có cảm giác nóng da ở vùng da bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
3. Thay đổi màu sắc da: Da đỏ hoặc sẫm màu xung quanh vùng đau, điều này có thể khó nhìn thấy hơn trên da nâu hoặc đen.
4. Đau: Đau nhói ở một chân, thường ở bắp chân hoặc đùi, khi đi hoặc đứng lên.
Ngoài ra có thể bị sốt do viêm; có thể quan sát bằng mắt thường tình trạng giãn tĩnh mạch nông; có thể có các biến chứng khác như: khó thở, ho nhiều đôi khi ra máu, đau tức ngực do bệnh biến chứng thành thuyên tắc phổi.
"Những người có triệu chứng này, đặc biệt ở bệnh nhân ung thư phổi cần đi khám chuyên khoa tim mạch ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời" - bác sĩ Cường cảnh báo.
Tiến sĩ Phan Thảo Nguyên, phó giám đốc Bệnh viện E, cho biết huyết khối tĩnh mạch chi dưới là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch ở một số bộ phận như vùng đùi, cẳng chân, khoeo chân, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây nên căn bệnh này, tuy nhiên bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới còn xảy ra ở những người có bệnh sử gia đình, tuổi cao, béo phì, phụ nữ có thai hoặc ở các bệnh nhân có các bệnh lý tăng đông như bệnh về thận, bệnh thiếu hụt yếu tố đông máu…
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết huyết khối tắc động mạch chi thuộc về bệnh tim mạch nhưng hay bị chẩn đoán nhầm. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức. Triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.
Cơ chế gây đau là khi cơ hoạt động, chúng cần được cấp máu nhiều hơn, nhưng do lòng mạch bị hẹp tắc bởi mảng xơ vữa, cơ bị thiếu máu nên gây ra triệu chứng đau. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu oxy giảm xuống nên triệu chứng đau cũng giảm và hết. Hiện tượng đó gọi là đau cách hồi.
Nhiều người cho rằng đau chân là một triệu chứng thường gặp ở người già. Người bệnh thường cho rằng đó là triệu chứng của viêm khớp hay đau dây thần kinh tọa hay hiện tượng cứng khớp ở người già. Đau chân do bệnh tắc động mạch thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp.
Với những bệnh nhân bị tiểu đường thì triệu chứng này có thể bị che lấp bởi triệu chứng đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh, một biến chứng thường gặp của bệnh.
Khi có các triệu chứng: Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi; Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành; Hoại tử bàn chân, ngón chân; Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên... là bệnh đã nặng.
Bệnh nếu không điều trị kịp thời chân sẽ hoại tử phải cắt bỏ, đặc biệt nguy hiểm là biến chứng gây thuyên tắc phổi và tử vong.
Khó điều trị, dễ biến chứng tử vong
TS Nguyên khuyến cáo, việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới vẫn là yếu tố quan trọng. Bên cạnh triệu chứng chân sưng nhiều, nặng chân, tức, đau dọc theo đường đi của tĩnh mạch, nổi tĩnh mạch ngoại biên… thì 50% bệnh nhân không có dấu hiệu, triệu chứng nên rất khó phát hiện bệnh sớm.
Việc điều trị rất khó khăn. Nội khoa dùng các thuốc giãn động mạch ngoại vi. Phẫu thuật cắt bỏ mạng lưới thần kinh giao cảm quanh động mạch, nối ghép mạch máu hoặc can thiệp nội mạch để nong rộng và đặt khung giá đỡ kim loại (stent) đoạn động mạch bị hẹp.
Các bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời giảm được nguy cơ biến chứng. Khi bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, xuất huyết loét và hoại tử các ngón chân là bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Toàn trạng bệnh nhân suy sụp nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.
Người dễ mắc bệnh động mạch chi dưới nếu có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì…
Cách phòng bệnh là loại bỏ các yếu tố kích thích gây co thắt mạch máu như lạnh, ẩm. Không hút thuốc. Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin.