Sớm dịch chuyển áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành kinh doanh từ 2013, Mondelez đã cung cấp máy tính bảng riêng cho đội ngũ bán hàng sử dụng. Với gần 2.000 nhân viên phân phối sản phẩm đến 230.000 điểm bán trên toàn quốc, cứ mỗi hai năm, doanh nghiệp phải thay mới đồng loạt máy tính bảng để đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ, tiêu tốn lượng ngân sách lớn.
Những năm gần đây, xu hướng BYOD (Bring Your Own Device - tự sử dụng thiết bị cá nhân để làm việc) nở rộ. Nhân viên chuyển sang sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh để làm việc ngày một phổ biến. Việc cung cấp thêm thiết bị máy tính bảng trở thành dư thừa, gây khó khăn trong việc bảo quản, cồng kềnh khi nhân sự cần di chuyển xa và liên tục.
Trước tình trạng này, Mondelez đã cùng đối tác lâu năm là FPT Software (Công ty thành viên của FPT) xây dựng nền tảng bán hàng trên mọi thiết bị, chuyển dịch sang điện thoại cá nhân. Hệ thống giúp nhân viên bán hàng tối ưu doanh số nhờ khả năng sắp xếp lịch gặp đại lý kèm lịch trình di chuyển hợp lý. Khi tạo đơn hàng, nền tảng gợi ý thêm mặt hàng tiềm năng, nhờ khả năng phân tích dữ liệu về tần suất đặt hàng và nhu cầu của đại lý phân phối, tránh thiếu sót trong trao đổi.
Đơn hàng nhập lên được đồng bộ trên toàn hệ thống, tạo điều kiện cho các bộ phận từ kế toán, kho bãi cùng liên kết chuẩn bị hàng hóa, hóa đơn, vận chuyển. Hoạt động xuyên suốt, thống nhất dữ liệu giúp các phòng ban liên quan trong công ty vận hành trơn tru.
"Với hơn 230 sản phẩm, việc phân phối các nhóm sản phẩm vào từng phân khúc khách hàng cần phải được tự động hóa một cách chiến lược. Mondelez hướng đến xây dựng hệ sinh thái bán hàng trên điện thoại cá nhân, tích hợp bán hàng thông minh để hỗ trợ nhân viên." Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Quản lý Phân phối của Mondelez Kinh Đô Việt Nam nói.
Do đã có nền móng là hệ thống quản lý phân phối do FPT Software "may đo" trước đó, Mondelez nhanh chóng xây dựng được nền tảng chuyển dịch. Toàn bộ dữ liệu cũng được doanh nghiệp tiên phong đưa hệ thống lên điện toán đám mây (Cloud) từ năm 2019, tăng cường khả năng đồng bộ dữ liệu, nâng cấp bảo mật cũng như kết nối đa thiết bị trong thời gian thực.
Theo ông Nguyễn Trí Thái, Giám đốc Trung tâm Giải pháp DMS thuộc FPT Software, bài toán nằm ở số lượng thiết bị đa dạng, nằm rải rác khắp các vùng miền. Mỗi loại thiết bị sử dụng một loại sóng kết nối khác nhau, tùy vào độ chính xác trong khả năng định vị bản đồ, độ mạnh yếu của mạng cơ sở... có thể tạo ra sai lệch lớn cho dữ liệu khách hàng. "Chúng tôi đã điều chỉnh nhiều thông số để có thể tăng cường độ chính xác của điện thoại lên gấp đôi", ông Thái cho biết.
Nền tảng do FPT Software xây dựng cho phép thiết lập tách biệt hai luồng hoạt động gồm công việc và cá nhân giúp đảm bảo tính riêng tư của người dùng trong khi vẫn tối ưu bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.
Khi chuyển sang chế độ công việc, các thông tin kinh doanh và ảnh chụp khách hàng, đơn hàng được chuyển thẳng về hệ thống của Mondelez trên nền tảng Cloud. Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn đảm bảo yêu cầu của quy trình hoạt động, giúp tạo ra chân dung khách hàng toàn diện, thúc đẩy doanh số và tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp.
"Hệ thống có khả năng tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện hình ảnh, giọng nói, phân tích dữ liệu kinh doanh và con người. Mở rộng thêm đa kênh bán hàng, hệ sinh thái sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định tiên quyết, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh", ông Thái chia sẻ.
Đánh giá về nền tảng bán hàng do FPT Software xây dựng, đại diện Mondelez cho hay, nền tảng này đã giúp Mondelez tiết kiệm chi phí vận hành lên đến vài triệu USD mỗi năm, đồng thời, đáp ứng cùng lúc nhu cầu công việc của hàng ngàn nhân viên đồng loạt sử dụng.
Đại diện đơn vị cũng nhấn mạnh, hoạt động trọng yếu của Mondelez trong năm 2022 là triển khai giải pháp đề nghị đơn hàng tự động trên quy mô toàn cầu, ứng dụng công nghệ AI do FPT Software phát triển. Đây cũng là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh thông qua công nghệ, kỳ vọng mang đến tăng trưởng cho Mondelez Kinh Đô Việt Nam trong những năm tới.