*Dưới đây là chia sẻ của Jen Glantz - BTV Tài chính của The Business Insider. Jen Glantz thừa nhận mình là người rất ghét lập ngân sách chi tiêu, cũng chẳng giỏi quản lý tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn sau khi nghe người bạn thân của mình chia sẻ cách lập ngân sách chi tiêu. Nhờ “học lỏm” các bí quyết của bạn thân, Jen Glantz đã bắt đầu tiết kiệm được thêm khoảng 1000 USD (~25,4 triệu đồng) mỗi tháng.
Ở thời điểm 4 năm trước, một trong những mục tiêu lớn nhất mà tôi luôn luôn đặt ra và cũng luôn thất bại chính là lập ngân sách chi tiêu, từ bỏ thói quen mua sắm linh tinh và tiết kiệm tiền. Tôi đã nghiên cứu những thủ thuật được gợi ý trên mạng, bởi người nổi tiếng hoặc những người đã duy trì được thói quen tiết kiệm.
Dẫu vậy, tôi vẫn cứ thất bại vì chẳng thể nghiêm túc áp dụng một phương pháp nào trong thời gian này.
Jen Glantz
Tôi khá tuyệt vọng, cảm giác cả đời mình sẽ chẳng thể tiết kiệm nổi. Tuy nhiên, mọi thứ thực sự đã thay đổi sau khi tôi tâm sự chuyện này với người bạn thân của mình. Cô ấy là mẹ của ba đứa trẻ và chẳng bao giờ chi tiêu quá trớn.
Sau khi nghe người bạn này chia sẻ, tôi bắt đầu cảm thấy việc lập ngân sách chi tiêu không còn nhàm chán, và tiết kiệm cũng chẳng phải điều bất khả thi. Trên thực tế, tôi đã cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm thêm được khoảng 1000 USD mỗi tháng.
Và dưới đây là 4 bài học mà tôi đã “học lỏm” được từ người bạn thân của mình.
1. Thiết lập ngân sách chi tiêu MỘT CÁCH THỰC TẾ
Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thường mắc phải khi cố gắng lập ngân sách chi tiêu chính là đặt ra giới hạn quá thấp cho từng khoản chi. Con số “trên trang giấy” luôn thấp hơn ít nhất 25% so với số tiền tôi thực sự cần để phục vụ các nhu cầu của bản thân. Việc này khiến tôi rơi vào chán nản, thậm chí, còn nảy sinh những cảm xúc tiêu cực về bản thân vì không thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc mình đã sai ngay từ bước đầu: Thiết lập ngân sách “chi li” quá mức.
Ảnh minh họa
Đặt ngân sách phù hợp với nhu cầu chi tiêu hiện tại là điều vô cùng quan trọng. Đừng tự đưa bản thân vào thế khó. Sau khi đã hình thành thói quen bám sát ngân sách, bạn hoàn toàn có thể cắt giảm số tiền chi tiêu để tiết kiệm được nhiều hơn.
Nhận ra và thay đổi cách lập ngân sách đã giúp tôi chi tiêu ít đi và dần tăng được tỷ lệ tiết kiệm. Trước đó, thì không.
2 - Linh hoạt thay đổi các quỹ chi tiêu
Tôi luôn nghĩ rằng khi đặt ra hạn mức chi tiêu cho từng đầu mục cần thiết trong cuộc sống, mình sẽ phải tuân thủ 100% những gì mình đã đặt ra. Tôi không cho phép mình chi vượt bất kỳ đầu mục nào và chính điều đó khiến tôi bị áp lực, rồi từ bỏ việc bám sát ngân sách lúc nào chẳng hay.
Bạn tôi thì không như vậy. Cô ấy linh động chuyển tiền từ “quỹ” này sang “quỹ” khác. Nếu cô ấy chi tiêu quá mức cho hạng mục ăn uống, nhưng lại không tiêu hết tiền trong hạng mục shopping, cô ấy sẽ chuyển tiền từ quỹ shopping sang quỹ ăn uống. Thế là mọi thứ đều được giải quyết mà vẫn đảm bảo không bội chi ngân sách tổng.
Trong tất cả mọi chuyện, sự linh hoạt là yếu tố vô cùng quan trọng. Lập ngân sách chi tiêu hay tiết kiệm cũng không phải ngoại lệ.
3 - Học cách nói không
Mục đích của việc lập ngân sách chi tiêu là để bạn biết mình được phép chi bao nhiêu trong một tháng, cho từng hạng mục cụ thể. Một hệ lụy nhỏ của việc này chính là đôi khi bạn sẽ phải từ chối những cuộc vui, những món đồ không thực sự cần thiết để đảm bảo không bội chi.
Ảnh minh họa
Bạn tôi khuyên tôi không nên cả nể, càng không nên nuông chiều bản thân quá mức vì nếu việc ấy khiến tôi tốn tiền một cách không đáng. Hoặc là học cách nói không đúng lúc, đúng thời điểm; hoặc là bạn sẽ chẳng bao giờ tiết kiệm được.
4 - Lường trước những khoản chi bất ngờ
Hay nói cách khác chính là thiết lập và duy trì quỹ dự phòng. Thành thực mà nói, trước khi tâm sự với người bạn thân và nghe các bí quyết quản lý chi tiêu của bạn, tôi chẳng màng tới việc “trữ tiền” phòng khi bất trắc, như lúc ốm đau, gặp tai nạn hoặc thất nghiệp chẳng hạn.
Vì vậy bất cứ khi nào có điều gì đó ngoài dự định xảy ra, cần tiền để giải quyết, tôi lại phá vỡ ngân sách để “lấy chỗ này đập chỗ kia”. Mọi chuyện có thể vẫn sẽ được giải quyết ổn thỏa thôi, nhưng vì không có quỹ dự phòng nên việc tiết kiệm hoặc các khoản chi khác sẽ bị ảnh hưởng nếu không may có việc xảy ra.
Dành ra một phần nhỏ khoảng 5-10% thu nhập hàng tháng, bỏ vào quỹ dự phòng giúp là bước quan trọng giúp tôi ngưng phá vỡ ngân sách chi tiêu; đồng thời, sống an tâm hơn nhiều.