Ngày 16/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế – xã hội và thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57 của Quốc hội trên địa bàn, trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Trao đổi tại buổi làm việc, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu vấn đề về công tác quản lý nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn trước cảnh rất nhiều ngôi nhà đang bỏ trống.
Cũng xoay quanh việc này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Thư ký Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, cử tri thành phố cũng rất quan tâm đến số đất công chưa sử dụng, còn lãng phí trong bối cảnh thành phố còn thiếu đất dành cho giao thông, bệnh viện…
“Đi trên đường thấy nhiều dự án dang dở rất tiếc. Bởi nếu cố tăng thêm một chút nữa là thành công, hoàn thành dự án nhưng rốt cuộc phải dừng lại vì nhiều nguyên nhân như dính đến vụ án đang được xử lý, thụ án hay liên quan đến mặt vốn, pháp lý”, ông Ngân nói và cho rằng TPHCM cần dành thời gian quan tâm đến những dự án chỉ còn 5 - 10% nữa là xong để ưu tiên tháo gỡ.
Ông dẫn chứng ngay đó là tòa nhà đối diện chợ Bến Thành, nằm ngay mặt tiền đường khu trung tâm. Cùng với đó, thành phố cũng phải cân nhắc đến sự an toàn của các công trình trong thời điểm mùa mưa bão hiện nay.
Đấu giá 3.790 căn hộ ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Trao đổi xoay quanh các vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, hiện TPHCM còn 11.042 căn hộ và nền đất, trong đó 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để trống.
Trong số này, TPHCM phân thành nhóm để xử lý, gồm nhóm có chủ trương đấu giá và nhóm bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công .
Theo đó, thành phố đã có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất (gồm 4.927 căn hộ và 42 nền đất), tại khu 3.790 căn ở khu tái định cư Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức và gần 1.000 căn ở xã Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh.
Ông Khiết cũng thông tin, việc thực hiện đấu giá hai khu này là vì nguồn vốn tạo lập của hai khu này là từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn đi vay của ngân hàng .
Trước đây, sau khi đã đủ quỹ nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM có xin chuyển 3.790 căn ở Thủ Thiêm qua kinh doanh thương mại. Chủ trương này đã được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thông qua vào thời điểm năm 2017.
Thời điểm này, các đơn vị của TPHCM đã tính toán giá gốc, giá thành xây dựng bao gồm lãi vay là 27 triệu/m2, chưa kể tiền bồi thường về đất và các chi phí khác.
Cũng theo ông Khiết, tính tới hiện nay, nếu cộng thêm chi phí bồi thường nhà đất và các chi phí khác thì giá thành lên cao. Khi chuẩn bị cho các quỹ nhà tái định cư, người dân lại không chọn quỹ nhà ở đây.
Ông Khiết cũng nêu rõ, chủ trương của thành phố và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trước đây cũng thống nhất chuyển quỹ nhà 3.790 căn này để bán đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay gặp vướng các thủ tục để triển khai bán đấu giá.
Gần đây, thành phố đã thẩm định giá và quyết định đấu giá trước các lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Và đến cuối năm 2024, khi hoàn tất các thủ tục sẽ tiến hành đấu giá 3.790 căn hộ trên.
Ông Khiết cho biết thêm, TPHCM phải dành số lượng lớn nền đất và căn hộ trống để phân bổ tái định cư cho các dự án đầu tư công trên địa bàn theo quy định khi thực hiện các dự án đầu tư công. Do vậy, thành phố dành quỹ 5.467 căn hộ và nền đất trống (gồm 3.552 căn hộ và 1.915 nền đất) để sẵn sàng cho cho 258 dự án hiện nay đang triển khai trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM khẳng định tất cả nền đất, căn hộ đều có mục tiêu rõ ràng và ngành chức năng thành phố đang triển khai thủ tục pháp lý để đấu giá quỹ nhà, căn hộ, nền đất đã có chủ trương; còn quỹ nhà và căn hộ, nền đất dùng tái định cư cho các dự án thì phụ thuộc vào các dự án đầu tư công.
Về quản lý tài sản công, đất công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Văn Thanh nêu rõ, việc điều tiết tài sản công, đất công được thực hiện theo Luật Tài sản công và Nghị định 167 và 67 sửa đổi.
Để rà soát và sắp xếp, xử lý đối với các nhà đất này, TPHCM có Ban Chỉ đạo về việc này do Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng ban.
Cũng theo ông Thanh, theo thẩm quyền thì thành phố chỉ quyết định các vấn đề về nhà đất của thành phố, còn nhà đất của trung ương trên địa bàn thì Ban Chỉ đạo trên sẽ góp ý về quy hoạch cũng như hiện trạng sử dụng của đơn vị đó cũng như việc sử dụng đúng hay không và trả lời.
Cùng với đó, cơ quan thường trực của trung ương (Bộ Tài chính) và các cơ quan chủ quản quản lý và sử dụng sẽ báo cáo sắp xếp.