Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm.
Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ.
Năm nay, tốc độ huy động của các ngân hàng chậm lại đáng kể. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý I, nhiều nhà băng có tốc độ tăng số dư tiền gửi khách hàng cao nhất trong quý I/2023 đạt 8-19%, nhưng năm nay chỉ tăng dưới 5%. Số lượng ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm trong ba tháng đầu năm cũng tăng mạnh.
Gần đây, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng mặt bằng vẫn thấp quanh 5% một năm.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhìn nhận động thái tăng lãi suất, ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường như vàng, chứng khoán... Bên cạnh đó, ông dự báo lãi suất tiền gửi tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay, khi tín dụng phục hồi.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Chuyên gia của UOB Việt Nam nhận định, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, tức từ trạng thái thả lỏng như hiện nay sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tỷ giá.