Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2023, tổng tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt gần 13,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,84 triệu tỷ đồng, tiền gửi của cư dân đạt 6,53 triệu tỷ đồng.
Như vậy, trong vòng một năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng hơn 888 nghìn tỷ, trong khi tiền gửi của dân cư cũng tăng 667 nghìn tỷ.
Đáng chú ý, tháng cuối cùng 12/2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng đột biến từ 6,38 triệu tỷ đồng lên 6,84 triệu tỷ đồng, tức tăng tới hơn 457 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất được ghi nhận từ trước đến nay, hơn cả giai đoạn Covid-19.
Song song với đó, tín dụng cho mảng khách hàng doanh nghiệp tại nhiều ngân hàng cũng có tăng trưởng đột biến trong tháng 12/2023. Một số chuyên gia cho rằng, dựa theo diễn biến này, có thể việc giải ngân tín dụng trong những tháng cuối cùng của năm 2023 thực tế vẫn chưa đi vào nền kinh tế một cách đáng kể.
Số liệu của NHNN cũng có thấy tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng trưởng bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục. Tháng 12/2023 là tháng đánh dấu chuỗi 25 tháng liên tiếp tiền gửi dân cư tăng trưởng dương.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn toàn hệ thống được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024, thấp hơn mức kỳ vọng 12% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Tiền gửi cao kỷ lục trong khi tín dụng tăng chậm đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trong hệ thống ngân hàng quý 1/2024. Lãi suất huy động do đó cũng liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm và xuống mức thấp trong lịch sử, với lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 4,5%/năm. Đến tháng 4/2024, lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu nhích tăng ở nhiều ngân hàng hơn. Thống kê từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động là VIB, NCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, Eximbank và MSB
Thực tế, trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp kỷ lục trong những tháng đầu năm 2024, tiền gửi của người dân vào đã có phần chững lại. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023.