Theo số liệu từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý I/2024, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,1% trên thị trường chính thức khi đồng USD neo ở mức cao. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND bình quân đang dần tiệm cận mức đỉnh cũ 24.867 đồng/USD vào tháng 11/2023.
"Với kỳ vọng đồng USD vẫn có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng biên độ mất giá của tiền đồng có thể nới rộng lên mức 3% trong nửa đầu năm 2024", VDSC dự báo.
Theo VDSC, mức mất giá này phù hợp với kỳ vọng vào đầu năm, tuy nhiên quan điểm tiền đồng có thể tăng giá trở lại vào cuối năm cần được xem xét thận trọng hơn bởi lộ trình giảm lãi suất của Fed và kỳ vọng liên quan đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đang tiếp tục ủng hộ cho xu hướng đồng USD mạnh.
Các chuyên gia cho rằng nhìn lại trong quý đầu năm có khá nhiều yếu tố hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự xoay chuyển kỳ vọng của thị trường đối với triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024 trên cơ sở số liệu kinh tế Mỹ vẫn tích cực và lạm phát sẽ không nhanh chóng giảm về mức mục tiêu 2%.
Thứ hai là sự chuyển dịch trong chính sách của các ngân hàng trung ương (NHTW) khác đang tạo thêm động lực tăng giá cho đồng USD. Cụ thể, việc thay đổi chính sách lãi suất âm của NHTW Nhật Bản đã không mang lại nhiều sự hỗ trợ tích cực đồng yen, đồng yen tiếp tục mất giá với vai trờ tỷ trọng chỉ cao thứ hai sau đồng EUR trong cơ cấu rổ tiền tệ tính chỉ số DXY.
Mới đây, NHTW Thuỵ Sỹ là quốc gia phát triển đầu tiên cắt giảm lãi suất, đồng Franc Thuỵ Sỹ cũng chiếm tỷ lệ 3,6% trong chỉ số DXY. Từ đầu năm đến nay, chỉ số DXY đã tăng khoảng 2,8% lên mức 104,4.
Với kỳ vọng NHTW Anh có thể sẽ giảm lãi suất điều hành sớm hơn Fed, nhiều nhà phân tích nhận định chỉ số DXY có thể sẽ kiểm định lại mức đỉnh cũ (105-106) được thiết lập vào tháng 11/2023 sau đó giảm trở lại khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed được hiện thực hoá.
Tại một hội thảo ngày 19/3, Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết mặc dù tỷ giá tăng 1,8% từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn không quá lo ngại. Nguyên nhân là bởi từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giảm lãi suất, và nền kinh tế Mỹ bắt đầu ngấm đòn do tác động từ lãi suất cao.
Trích dẫn dự báo của tập đoàn ING từ Hà Lan, từ nay đến cuối năm, các đồng tiền khác có thể tăng khi USD giảm giá, trong khi VND cơ bản ổn định dần hoặc có thể mất giá nhẹ.
Theo ông Lực, nguyên nhân khiến VND mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Nhận diện điểm sáng Kinh doanh và Đầu tư 2024" tổ chức mới đây, TS. Võ Trí Thành, dự báo VND sẽ chỉ mất giá tối đa 3% trong năm nay nhờ xu hướng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn.
Trước đó, một số tổ chức tài chính cũng đã đưa ra dự báo về mức mất giá của tiền đồng trong năm 2024. Cụ thể, UOB dự báo tỷ giá USD/ VND sẽ đạt 24.400 trong quý II/2024, 24.200 trong quý III, 24.000 trong quý IV năm 2024 và 23.800 trong quý I/2025.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, dự báo tỷ giá cải thiện hơn vào nửa cuối 2024, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế - tín dụng trong nước dần hồi phục. Theo đó, tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm ở vùng giá 24.400 đồng/USD.
Trong khi đó KB Securities dự báo tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng 1,5% trong cả năm 2024, đạt 24.600 đồng/USD.
Theo KB Securities, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối lo lớn với Việt Nam. Tỷ giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chưa có động thái can thiệp khi tỷ giá chưa tăng quá 2%.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ vừa phải do lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát, trong khi nền kinh tế cần tiếp tục được hỗ trợ phục hồi”, KB Securities cho hay.