Thời sự

Tiến độ triển khai 6 tuyến đường vành đai của Hà Nội

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, thông tin từ Báo Đầu tư.

Liên quan đến thứ tự ưu tiên đầu tư dự án trong bối cảnh các dự án đường vành đai khác của Hà Nội còn chưa bảo đảm tiến độ, Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định việc đầu tư xây dựng vành đai 4 sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho hệ thống giao thông vận tải Thủ đô, kích hoạt nguồn lực đầu tư phát triển từ việc quy hoạch và sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường...

Tuy nhiên, song song với việc tập trung triển khai dự án này, Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, thông tuyến các tuyến vành đai khác đảm, bảo tính đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch.

 

Hiện nay, ngoài dự án vành đai 4, TP Hà Nội đã, đang và có kế hoạch triển khai đầu tư đối với 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm (vành đai 1; 2; 2,5; 3 và 3,5) xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Theo đó, TP Hà Nội cơ bản sẽ hình thành và thông tuyến được khoảng 154 km/179 km (đạt khoảng 86%) của 5 tuyến đường vành đai.

Cụ thể, với vành đai 1, hiện nay đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch 4,71 km/7,21 km và phần còn lại đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Dự án này đã được khởi công xây dựng, song do khó khăn về giải phóng mặt bằng (khoảng 2.000 hộ dân), tồn tại nhiều khó khăn như: các hộ dân không hợp tác, có nhiều nội dung kiến nghị về diện tích, đơn giá đền bù... Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Vành đai 1 còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Vành đai 2 đã hình thành toàn tuyến và khép kín đường vành đai, trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 28,46 km; đang thi công mở rộng với quy mô quy hoạch 6,54 km theo dự án cầu Vĩnh Tuy 2 và đoạn trên cao thực hiện theo hợp đồng BT. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (35 km/39 km, tương ứng khoảng 90%). 

Vành đai 2,5 dài khoảng 19,41 km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch 9,59 km, đang thực hiện đầu tư 5,97 km và xác định đầu tư đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dài khoảng 1 km. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, tuyến vành đai 2,5 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch được 16,56 km/19,41 km (đạt khoảng 85%). Phần tuyến vành đai 2,5 dài khoảng 2,85 km là các đoạn đi qua các cụm dân cư lớn, trong trường hợp triển khai thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến các hộ dân mà tuyến đi qua, việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án có thể kéo dài, dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng như hiệu quả dự án sẽ không cao. Theo đó việc nghiên cứu triển khai đoạn tuyến này sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.

Vành đai 3 dài khoảng 68 km. Hiện nay đã được đầu tư, thông tuyến được 54 km từ Nội Bài đến Việt Hùng, Đông Anh, phục vụ nhu cầu di chuyển từ phía bắc xuống phía nam, sang phía đông thành phố và ngược lại. Việc đầu tư đoạn tuyến vành đai 3 phía bắc dài khoảng 14 km từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài để khép kín tuyến đường vành đai 3 sẽ được Hà Nội nghiên cứu thực hiện tổng thể cùng với việc phát triển đô thị phía bắc sông Hồng.

Vành đai 3,5 dài khoảng 45,64 km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,5 km (Đại lộ Thăng Long - trục phía Nam); đang thực hiện đầu tư 5,5 km từ quốc lộ 32 đến Đại Lộ Thăng Long theo hai dự án và đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 25,1 km theo 5 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.526 tỷ đồng.

Vành đai 3,5 qua KĐT Văn Phú. (Ảnh: Hạ Vũ).

Như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025, đường vành đai 3,5 sẽ được đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (40,1 km/45,64 km tương ứng khoảng 88%), riêng đoạn tuyến còn lại từ cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới. 

Về khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ cho biết việc đầu tư hình thành, thông tuyến 5 đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, trong đó cơ bản tập trung cho tuyến vành đai 2,5 và 3,5 với nhu cầu vốn khoảng 17.000 tỷ đồng được cân đối từ nguồn 36.000 tỷ đồng, xác định dành cho các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Đối với dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Cụ thể, tuyến đường dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.

Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng từ 90-135 m, thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17 m.

UBND TP Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12 m; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư đầu tư công kết hợp đầu tư PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 85.813 tỷ đồng. Dự án được chia làm 7 dự án thành phần độc lập với nhau, trong đó Dự án thành phần 3 - đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT do UBND TP Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự kiến thời gian thực hiện “siêu dự án” này được xác định là cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2027. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm