Doanh nghiệp

Vietjet dự kiến huy động gần 14.000 tỷ đồng từ bán trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu VJC

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet. (Ảnh: Song Ngọc).

Vietjet chuẩn bị phát hành trái phiếu chuyển đổi

Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ngày 28/5 vừa qua đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi theo hình thức riêng lẻ hoặc ra đại chúng.

Tổng giá trị phát hành là 6.960 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD khi tính theo tỷ giá 23.200 đồng/USD. Tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để đầu tư và thuê mua tàu bay, đầu tư và thuê mua động cơ, bổ sung thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Vietjet.

Trái phiếu dự kiến có kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất có thể được thả nổi, cố định hoặc kết hợp giữa thả nổi và cố định. Điều khoản cụ thể do Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Trái phiếu chuyển đổi có thể bao gồm điều khoản về việc thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VJC do Vietjet phát hành và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Giá và tỷ lệ thực hiện quyền chọn sẽ do HĐQT quyết định.

Vietjet có thể mua lại trái phiếu trước hạn từ cuối năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 nếu giá cổ phiếu cao hơn một mức nhất định.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021, Vietjet có dư nợ trái phiếu 8.373 tỷ đồng tại ngày 31/12 năm ngoái, tương đương 50% vốn chủ sở hữu. Dự kiến sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên thành 91%.

Tổng nợ phải trả của Vietjet tại ngày cuối quý I năm nay là 41.091 tỷ đồng, chiếm 70,6% tổng nguồn vốn. Thống kê dưới đây cho thấy tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn của Vietjet trong đại dịch thường dao động trong khoảng 65 – 70%.

Tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn của Vietjet trong đại dịch COVID-19 thường dao động trong khoảng 65 – 70%.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/6/2021 đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế nhằm huy động 300 triệu USD. Trái phiếu dự kiến được niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore, trái chủ có quyền chọn mua cổ phiếu VJC. Tuy nhiên do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên HĐQT Vietjet đã hoãn việc phát hành trái phiếu quốc tế này.

Chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp

Đại hội cổ đông ngày 28/5/2022 cũng đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 54,16 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu VJC đang lưu hành. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại hội đã ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường trước thời điểm chào bán. Thời gian chào bán là trong năm 2022 - 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược, không hạn chế chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau.

Vietjet kỳ vọng đợt chào bán 10% vốn nói trên sẽ mang lại cho công ty 300 triệu USD, tương đương 6.960 tỷ đồng tính theo tỷ giá 23.200 đồng/USD. Số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư, thuê, mua tàu bay, động cơ và trang thiết bị sửa chữa tàu bay; bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động.

Giá VJC thường dao động trong khoảng 120.000 – 150.000 đồng/cp.

Để thu về xấp xỉ 7.000 tỷ đồng như kế hoạch, giá chào bán cần đạt khoảng 129.250 đồng/cp. Kết phiên 27/5, giá cổ phiếu VJC dừng ở 127.000 đồng/cp. Biểu đồ bên trên cho thấy VJC thường dao động trong khoảng 120.000 – 150.000 đồng/cp, nên mức giá mục tiêu 129.250 đồng/cp là hoàn toàn khả thi.

Vốn hóa của Vietjet hiện nay là gần 68.800 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày đầu năm 2022. Theo bảng thống kê dưới đây, giá trị thị trường của Vietjet hiện nay lớn hơn đối thủ chính là Vietnam Airlines (Mã: HVN) nhưng còn nhỏ hơn Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV).

Nhiều cổ phiếu ngành hàng không giảm sút trong một tháng qua.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/6/2021 đã phê duyệt phương án chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ, tương đương hơn 81 triệu cổ phiếu VJC không có quyền biểu quyết, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Trong thực tế, Vietjet đã không triển khai đợt chào bán này, quy mô vốn không thay đổi trong năm qua.

Vietjet hiện có vốn điều lệ 5.416 tỷ đồng. Nếu bán hết 10% cổ phần như kế hoạch, vốn điều lệ của hãng sẽ tăng lên thành xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, hãng còn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tính theo số cổ phần trước khi chào bán riêng lẻ là 541,6 triệu đơn vị. Như vậy, Vietjet sẽ cần phát hành mới 108,3 triệu cổ phiếu VJC để thực hiện nghĩa vụ với cổ đông.

Vietjet dự kiến có hai đợt tăng vốn trong năm 2022.

Cổ đông lớn nhất của Vietjet hiện nay là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với tỷ lệ sở hữu 28,6%. Công ty này được thành lập vào ngày 2/11/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Giám đốc và đại diện theo pháp luật.

Hiện nay bà Thảo không còn là Giám đốc của Hướng Dương Sunny nhưng vẫn đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vietjet.

Cá nhân bà Thảo cũng là cổ đông lớn của Vietjet như thể hiện trong thống kê bên dưới. Công ty cổ phần Sovico là cổ đông lớn thứ 3 với tỷ lệ nắm giữ 7,6%. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Tổng Giám đốc của Sovico. Ông Nguyễn Thanh Hùng, một Phó Chủ tịch khác của Vietjet và cũng là chồng của bà Thảo, giữ chức Chủ tịch HĐQT Sovico.

 

Trong đợt cổ tức tỷ lệ 20% của Vietjet tới đây, nhóm cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Hướng Dương Sunny và Sovico sẽ được nhận gần 49 triệu cổ phiếu VJC. Theo thống kê của tạp chí Forbes, bà Thảo đang có tài sản ròng trị giá 3,1 tỷ USD và là người giàu thứ 3 tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm