“Tôi nhận ra rằng mình đang làm việc để mong có một khoản hưu trí khi về già, nhưng có thể tôi sẽ không bao giờ được hưởng”, Debbie Emick nói sau khi sinh đứa con gái thứ hai vào năm 2014 và phát hiện các triệu chứng của căn bệnh mãn tính ngày càng nặng hơn.
Trước đó, năm 2012, khi cô phát hiện ra bệnh, cô không nghỉ việc mà tiếp tục làm giáo viên tiểu học để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, cùng chồng. Vào một ngày, đồng nghiệp hỏi Debbie rằng liệu cô có muốn tham gia một cơ hội để phát triển nghề nghiệp vàp cuối tuần không. Debbie đã do dự. Thấy vậy, đồng nghiệp nói với cô rằng, nếu đó là vấn đề tiền bạc thì cô đừng lo lắng, bởi sẽ có một khoản trợ cấp.
“Tôi không cần thêm tiền, tôi cần thêm thời gian”, Debbie nhớ lại câu trả lời khi ấy.
Debbie cùng chồng là Chris đã lên kế hoạch nghỉ hưu khi ở độ tuổi 60. Thế nhưng vào thời điểm năm 2014 khi nhận tin về căn bệnh ấy, họ đã xem xét lại các ưu tiên về tiền bạc của mình.
Cặp vợ chồng sống ở Rocky Ford, Colorado (Mỹ) đã tiến hành cắt giảm chi tiêu, tăng tiền tiết kiệm và đầu tư mạnh vào bất động sản. Đến năm 2019, cuối cùng họ cũng đã kiếm đủ tiền từ khối tài sản của mình. Sau đó, Chris cũng từ bỏ công việc kỹ sư mạng của mình.
Trong 4 năm, từ 2016 đến 2019, cặp vợ chồng đã mua được 19 căn hộ và cho thuê. Khi họ nghỉ hưu vào năm 2019 ở tuổi 40, tổng thu nhập cho thuê hàng năm từ số bất động sản của họ là 45.000 USD, tức tương đương 1,1 tỷ đồng. Hiện tại, các khoản đầu tư, tiết kiệm và bất động sản của cặp vợ chồng này có giá trị 1,5 triệu USD.
Kiếm tiền hôm nay để cho ngày mai
Tiết kiệm và lập ngân sách đến với Debbie một cách tự nhiên, bởi vốn dĩ từ nhỏ cuộc sống của cô đã khó khăn. Debbie lớn lên quanh các trang trại chăn nuôi, trước khi ba mẹ cô ly hôn và cô buộc phải chuyển chỗ ở nhiều lần. “Một số bất an về tài chính đã tạo nên tính cách của tôi đối với tiền bạc”, cô nói.
Điều đó thường là tập trung vào hiện tại thay vì tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính xa vời. “Tôi chỉ muốn có đủ tiền để thanh toán các hoá đơn của mình”, Debbie chia sẻ. Khi cô tốt nghiệp đại học và kiếm được mức lương 24.000 USD, trọng tâm của cô là trả được khoản vay sinh viên và thanh toán tiền mua ô tô. Cô hy vọng mình sẽ có đủ tiền để sửa chữa nếu chiếc Chevy Malibu chẳng may bị hỏng.
Ngược lại, chồng cô Chris luôn quyết tâm trở thành triệu phú. Cũng là một đứa trẻ nhà nông, Chris lớn lên với ông bà mình - những người mà anh miêu tả rằng bị ám ảnh bởi thói quen tiết kiệm trong thời kỳ suy thoái. “Tôi luôn chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp hoặc tình huống xấu nhất”, anh nói.
Năm 21 tuổi, anh đọc cuốn “Triệu phú nhà bên” và nhận ra rằng một cuộc sống siêng năng tiết kiệm có thể đưa anh đến con đường thịnh vượng về tài chính. “Tôi chỉ có suy nghĩ rằng không đời nào một người có trong tài khoản 1 triệu USD, lại có thể gặp bất kỳ vấn đề gì”.
Tiết kiệm thông minh
Vào thời điểm Debbie quyết định từ bỏ công việc giáo viên của mình, cặp đôi đã trả hết các khoản thế chấp của họ. Sau 18 năm làm việc trong ngành Công nghệ thông tin, Chris kiếm được mức lương hơn 6 con số.
Tuy nhiên, đối với việc gia đình nhỏ sắp mất một khoản lương 32.000 USD của Debbie, cộng với khoản trợ cấp mà lẽ ra cô nhận được sau 20 năm giảng dạy, hai vợ chồng đã phải xem xét lại tài chính của mình. “Đó là lúc chúng tôi nghiêm túc về việc có một ngân sách thực sự”, Debbie nói.
Chris dự kiến sẽ thực hiện một số thay đổi trong lối sống như bỏ bữa sáng và mang đồ ăn trưa đi làm. Tuy nhiên, cặp vợ chồng đã phát hiện ra cách tiết kiệm này là không ổn. Cuộc sống của họ xoay quanh các giá trị như du lịch, gia đình và thức ăn ngon, tốt cho sức khoẻ.
Trong khi đó, họ sẽ cắt giảm chi tiêu vào những thứ như quần áo mới, đồ trang sức và trang điểm - những thứ “không thay đổi thước đo hạnh phúc của chúng tôi”. Họ nói rằng, với cách này, hàng tháng, vợ Chris sẽ gửi ngân hàng 50% - 60% tiền lương của chồng.
Mua bất động sản và cho thuê
Mặc dù đã cắt giảm chi tiêu, song Debbie không cảm thấy thoải mái khi chỉ có một nguồn thu nhập. Chris lo lắng rằng mất việc có thể khiến gia đình anh rơi vào tình cảnh khó khăn. Do đó, họ quyết định thử mua bất động sản và cho thuê vào năm 2016 với tổng số tiền trả trước là 60.000 USD. Họ đã lấy trong số tiền 90.000 USD mà họ tiết kiệm được.
Thời gian đầu khá khó khăn khi căn nhà họ mua có chất lượng không tốt. Cặp vợ chồng phải dành cả đêm và những ngày cuối tuần để tân trang lại rồi cho thuê. Thành quả lao động cũng được đền đáp khi tiền kiếm được từ việc cho thuê đã vượt xa khoản thanh toán thế chấp cho ngôi nhà, và cho phép cả hai vợ chồng vẽ ra viễn cảnh lớn hơn.
Họ nhận ra rằng, bất động sản cho thuê có thể là cách kiếm tiền chính của gia đình. “Cả hai chúng tôi đều có suy nghĩ này”, Debbie.
Vậy là họ đã dùng số tiền tiết kiệm hàng tháng và tiền thu được từ người thuê nhà, đầu tư mua thêm bất động sản. Từ năm 2016 đến năm 2019, cặp đôi đã mua 19 căn hộ ở ba bang của Mỹ.
Tận hưởng kỳ nghỉ hưu sớm
Mặc dù đã bỏ công việc hàng ngày, song Debbie vẫn rất bận rộn. Hai vợ chồng cùng nhau quản lý các tài sản đầu tư của mình, mà ngày nay, mang lại thu nhập sau thuế mỗi tháng cho họ từ 4.000 USD tới 6.000 USD.
Ngoài ra, mỗi năm, Debbie dành một tháng để bán các bảo hiểm nông nghiệp cho các trang trại và kiếm được 23.000 USD tiền hoa hồng hàng năm. Đối với gia đình Debbie, nghỉ hưu không có nghĩa là không làm việc nhiều, mà là sự cân bằng giữa công việc và gia đình.
“Thay vì làm việc 48 tuần một năm và có 4 tuần nghỉ, bây giờ tôi có thể làm việc 4 tuần và có 48 tuần nghỉ”, Chris nói. Hai vợ chồng tiếp tục kiếm tiền và đầu tư. Họ chi tiêu từ 2.500 USD tới 3.000 USD mỗi tháng. Gần đây họ đã đầu tư vào các tài khoản hưu trí, tiết kiệm cho sức khoẻ và các khoản tiền mặt khác nhau.
Họ cũng theo đuổi đam mê. Debbie viết sách và lướt sóng. Hai vợ chồng cũng bắt đầu xây dựng một cộng đồng trực tuyến, nơi dành cho những người về hưu sớm, tổ chức các sự kiện và các buổi gặp gỡ trao đổi do cặp đôi lên kế hoạch.
Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo, Chris nói rằng: “Chúng tôi thích tự do kết nối, đi du lịch và khám phá.