Xã hội

Thương mại điện tử: "Con dao hai lưỡi" với môi trường

Tóm tắt:
  • TMĐT chiếm 12% lượng rác thải bao bì toàn cầu, chủ yếu là hộp carton, nhựa và màng xốp khó phân hủy.
  • TMĐT giúp giảm nguyên liệu, cắt giảm hàng tồn kho, diện tích kho bãi và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.
  • Lượng khí nhà kính từ TMĐT cao hơn 30% so với mua sắm truyền thống do vận chuyển và hoàn trả sản phẩm.
  • TMĐT thúc đẩy tiêu dùng thái quá, tăng nhu cầu năng lượng, ùn tắc giao thông và phát sinh nhiều rác thải nhựa dùng một lần.
  • Doanh nghiệp TMĐT cần phát triển bền vững qua công nghệ và chuỗi cung ứng xanh để đáp ứng xu hướng tiêu dùng và cạnh tranh toàn cầu.

Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến bùng nổ, thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tác động sâu rộng tới môi trường. Tuy nhiên, tác động này đang được nhìn nhận theo hai chiều: một mặt giúp tiết kiệm tài nguyên, mặt khác lại làm gia tăng rác thải và phát thải khí carbon.

Khí nhà kính cao hơn 30% kiểu mua sắm truyền thống

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) của VECOM, một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà TMĐT mang lại cho môi trường là việc cắt giảm lượng nguyên liệu sử dụng trong kinh doanh.

Thay vì tiêu tốn giấy cho hóa đơn, hợp đồng, catalogue, nhiều doanh nghiệp nay đã chuyển sang môi trường số, tận dụng công nghệ điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu. Sách giấy được thay bằng sách điện tử, phim truyền thống nhường chỗ cho ảnh kỹ thuật số, tài liệu học tập, hồ sơ bệnh án cũng được số hóa.

Không chỉ giảm nguyên liệu, TMĐT còn giúp doanh nghiệp cắt giảm hàng tồn kho và diện tích kho bãi. Việc trao đổi thông tin nhanh chóng, chính xác trên môi trường số giúp chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả hơn, giảm thiểu không gian lưu trữ và tài nguyên đi kèm.

Thương mại điện tử: "Con dao hai lưỡi" với môi trường- Ảnh 1.

TMĐT chiếm tới 12% tổng lượng rác thải bao bì toàn cầu.

Đặc biệt, TMĐT đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai tại các đô thị. Khi người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến, nhu cầu về các cửa hàng bán lẻ, siêu thị truyền thống giảm xuống. Các văn phòng, điểm bán lẻ không còn phải chiếm đóng những khu "đất vàng", nhường chỗ cho các mô hình kinh doanh linh hoạt hơn. Cùng với đó, xu hướng làm việc và mua sắm từ xa cũng giúp giảm nhu cầu di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính.

TMĐT còn mở ra cánh cửa cho các hoạt động tái chế, trao đổi vật liệu thứ cấp trên phạm vi toàn cầu. Các sàn giao dịch trực tuyến giúp việc mua bán vật liệu tái sử dụng, tín chỉ carbon trở nên dễ dàng, góp phần vào xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, những tác động tích cực nói trên không phải tuyệt đối. TMĐT cũng đang đối mặt với không ít chỉ trích liên quan tới môi trường.

Nổi bật nhất là lượng rác thải bao bì khổng lồ do các đơn hàng trực tuyến tạo ra. Theo Đại học California, Berkeley, TMĐT chiếm tới 12% tổng lượng rác thải bao bì toàn cầu, với vật liệu chủ yếu là hộp carton, nhựa, màng xốp hơi – những loại khó phân hủy. Thực tế, mua hàng online tốn lượng giấy bìa nhiều gấp nhiều lần so với mua trực tiếp, do hàng hóa thường được đóng gói kỹ càng, nhiều lớp, để đảm bảo nguyên vẹn khi đến tay người tiêu dùng. Năm 2022, toàn cầu đã tiêu thụ 161 tỷ gói hàng, dự kiến tăng lên 256 tỷ vào năm 2027.

Không dừng lại ở đó, TMĐT kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng. Các thiết bị điện tử, trung tâm dữ liệu, hạ tầng IoT tiêu tốn lượng lớn điện năng, trong khi xu hướng giao hàng nhanh khiến xe vận chuyển chạy rỗng, tốn nhiên liệu, phát thải khí carbon nhiều hơn.

Thương mại điện tử: "Con dao hai lưỡi" với môi trường- Ảnh 2.

TMĐT kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng

Một tác động khác là thúc đẩy thói quen tiêu dùng thái quá. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người dùng có thể dễ dàng mua sắm, chưa kể các chiến dịch khuyến mãi, mua trước trả sau càng khuyến khích mua sắm bốc đồng. Hệ quả là lượng tài nguyên bị tiêu tốn nhiều hơn, rác thải cũng tăng lên.

Theo nghiên cứu, mỗi đơn hàng TMĐT tạo ra lượng khí nhà kính cao hơn tới 30% so với mua sắm truyền thống, chủ yếu do hoạt động giao nhận, vận tải và hoàn trả sản phẩm – vốn đòi hỏi gấp đôi lượt vận chuyển. Đáng nói, TMĐT tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, khiến tình trạng ùn tắc giao thông, tiếng ồn và ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.

Đáng lo ngại, dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ - một mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái TMĐT hiện nay - cũng bị "điểm danh" vì phát sinh lượng lớn rác thải nhựa dùng một lần, khó phân hủy.

Bền vững trong TMĐT là "điều kiện sống còn"

Trước những thách thức đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đang nỗ lực kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hướng tới TMĐT bền vững.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Hoàng Văn Lâm - CEO 360Branding cho rằng để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, các doanh nghiệp không thể chỉ mải miết chạy theo các chỉ số bề nổi như doanh thu, lượt truy cập hay đơn hàng. "Bền vững trong TMĐT không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn", khái niệm này phải bao trùm từ xây dựng thương hiệu dài hạn, tối ưu vận hành, bảo vệ môi trường cho tới tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Ông chỉ ra, người tiêu dùng Việt, đặc biệt là thế hệ Z và Millennials, ngày càng có xu hướng "bỏ phiếu bằng ví tiền" cho các thương hiệu có trách nhiệm. Họ không còn chỉ mua vì giá rẻ hay khuyến mãi, mà đòi hỏi rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất xanh, vận chuyển sạch và sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

"Nếu TMĐT Việt không chuyển mình theo hướng bền vững, chính người tiêu dùng trong nước và các thị trường quốc tế sẽ gạt mình ra khỏi cuộc chơi", ông Lâm cảnh báo.

Ông cũng nhận định, đây là thời điểm vàng để các sàn và nhà bán hàng tiên phong trong "xanh hóa" chuỗi cung ứng, từ bao bì thân thiện môi trường, logistics giảm phát thải, cho tới dịch vụ sau bán hàng đạt chuẩn quốc tế.

"Doanh nghiệp nào nắm bắt xu hướng này sớm, sẽ không chỉ tồn tại mà còn dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh mới", CEO khẳng định.

Ngoài ra, ông Hoàng Văn Lâm cho rằng công nghệ chính là "chìa khóa" giúp TMĐT Việt Nam đạt mục tiêu bền vững mà vẫn tối ưu chi phí.

"AI, dữ liệu lớn và nền tảng tự động hóa không chỉ giúp vận hành hiệu quả mà còn giảm lãng phí, giảm phát thải carbon. Đây là con đường để TMĐT Việt tiến gần hơn với tiêu chuẩn xanh toàn cầu và mở rộng cơ hội xuất khẩu số", ông phân tích.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

BIDV Next Gen Future Leader – Bệ phóng vững chắc cho thế hệ kế nghiệp tương lai

Với mục tiêu đồng hành và phát triển thế hệ kế nghiệp cho các khách hàng sở hữu khối tài sản lớn, BIDV ra mắt chương trình "Next Gen Future Leader" cung cấp các kiến thức quản trị tài sản, kinh doanh, nền tảng tư duy lãnh đạo hiện đại, kỹ năng quản lý hiệu quả và mạng lưới kết nối vững chắc dành cho thế hệ kế tiếp.

Novaland chi nghìn tỷ mua khu du lịch dù đang nợ đầm đìa

Tại thời điểm 31/3, Tập đoàn Novaland đang có nợ phải trả 185.951 tỷ đồng nhưng trong 3 tháng qua vẫn chi 1.406 tỷ để góp vốn vào Công ty TNHH Vũng Tàu Investment - chủ đầu tư dự án Khu du lịch Suối nước nóng Bình Châu.

Diện mạo phường nhỏ nhất Việt Nam được sáp nhập với hàng chục phường khác, hình thành khu vực có giá đất đắt đỏ nhất Thủ Đô

Phường Hàng Đào có diện tích nhỏ nhất Việt Nam nhưng giá đất lên đến hơn một tỷ đồng/m² nhờ vị trí trung tâm gần Hồ Gươm. Khi sáp nhập vào Phường Hoàn Kiếm mới, khu vực này sẽ tiếp tục là trái tim thương mại và du lịch của Hà Nội.