Tài chính

Thủ tướng: Rút ngắn thủ tục, giảm lãi suất để tăng nhà ở xã hội

Một khu nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một khu nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 16-3, chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phải phù hợp cho người mua và người bán. Do đó, các chủ thể có liên quan đều phải vào cuộc, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

Nhà ở xã hội còn ít so với cầu

Yêu cầu của Thủ tướng nêu ra khi thực tế phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được yêu cầu đề ra. Bộ Xây dựng cho hay việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế. Trong đó, Hà Nội chỉ có ba dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có bảy dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng có năm dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%...

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong đầu tư, khởi công xây dựng nhà ở xã hội với hàng chục nghìn căn hộ.

Tuy nhiên, bộ này đánh giá một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Ngoài ra đã có 28 địa phương công bố 68 dự án đủ điều kiện đáp ứng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng; với tám dự án nhà ở xã hội tại bảy địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỉ đồng.

Tuy vậy, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như chưa xác định rõ quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, dự án triển khai thi công chậm tiến độ. Bằng chứng là chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục.

Hơn thế nữa, thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội được các doanh nghiệp chia sẻ là còn nhiều bất cập, khó khăn.

Ông Nguyễn Việt Quang - phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup - cho biết mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao, với chủ đầu tư là 8%/năm, khách hàng là 7,5%/năm. Thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội kéo dài, nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng hai năm.

Còn ông Nguyễn Việt Cường - chủ tịch Tập đoàn Phú Cường - cũng chia sẻ đã xây dựng hơn 1.000 căn hộ nhưng vướng thủ tục pháp lý, có dự án dù đã xin tới hai, ba chục con dấu vẫn không triển khai được.

"Tại sao Thủ tướng làm việc với cường độ lớn, tâm huyết và khát vọng phát triển, định hướng đúng đắn nhưng chúng ta không triển khai được như kế hoạch. Tình trạng trên trải thảm, dưới rải đinh khi vướng mắc thủ tục hành chính, hay vấn đề sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm?" - ông Cường đặt vấn đề.

Dự án nhà ở Ecohome 1 được xây dựng tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Dự án nhà ở Ecohome 1 được xây dựng tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Lãi vay cao, thủ tục rườm rà

Dẫn chứng thêm, ông Cường nói có doanh nghiệp có năng lực tốt, triển khai dự án được sáu năm, mọi thứ gần như hoàn thiện thì tự nhiên có một công văn gửi đến yêu cầu phải rà soát dự án đó.

Vậy là dự án "đóng băng" 3-4 năm nay, không triển khai được, gây thiệt hại 2.000 - 3.000 tỉ đồng, không đóng thuế được cho Nhà nước. Theo ông, nếu phát hiện cái sai cần chỉ rõ để doanh nghiệp làm cho đúng.

  • Vì sao nguồn cung nhà ở xã hội nhỏ giọt, nhà ở vừa túi tiền ‘tuyệt chủng’?

  • Mỗi nơi làm một kiểu, khó đạt mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội

  • Lãi vay ưu đãi từ 7,5-8%/năm có hấp dẫn người mua nhà ở xã hội?

Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Anh - phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - cho hay doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ nhà ở xã hội. Cũng bởi các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.

Vì vậy, ông Anh kiến nghị với Thủ tướng sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với nhà ở.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng chỉ ra thực tế: lâu nay người ta hay nói về chuyện chính quyền không muốn dành đất cho nhà ở xã hội vì không thu được thuế.

Thêm nữa là thủ tục hành chính gắn với tham nhũng vặt. Ông kể đã đi khảo sát một số tỉnh, thủ tục vô cùng rắc rối, đền bù giải phóng mặt bằng mỗi năm có tỉnh chỉ giải phóng được vài chục hecta đất. Trong khi có tỉnh đổi mới cách làm, diện tích đền bù giải phóng mặt bằng tăng lên cả trăm, nghìn ha.

Còn theo TS Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, có những dự án nhà ở xã hội ở vị trí khá xa so với trung tâm, không có phương tiện đi lại, thời gian di chuyển.

Do đó, ông cho rằng cần quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê, đáp ứng nhu cầu người thu nhập thấp về chỗ ở.

Các dự án này cần có nguồn vốn vay ưu đãi, đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay, cam kết cụ thể về mức lãi suất thấp. Gắn với đó là việc dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình, tăng thời hạn cho vay, đảm bảo ít nhất đủ chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.

Với nhận định thị trường nhà ở xã hội đang nghẽn cả cung và cầu, TS Trần Du Lịch - ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia - cho rằng để tháo gỡ nguồn cung thì cần tạo ngay quỹ đất cho doanh nghiệp làm nhà ở, có chính sách ưu đãi thuế.

Còn về phía cầu, cần phải tháo gỡ thủ tục cho người mua như việc chứng nhận là người thu nhập thấp, chưa có chỗ ở.

Đồng tình quan điểm Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không có trách nhiệm lo sở hữu nhà ở cho mọi người, ông Lịch cho rằng cần có quỹ nhà ở cho thuê. Cùng với đó phải có cơ chế hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước với một tỉ lệ phù hợp, ví dụ bù lãi suất.

Mức lãi suất 8% ở gói 120.000 tỉ đã lạc hậu, nên cần điều chỉnh cho phù hợp bằng với mức lãi suất bình quân là 6,9% với thời hạn 20 năm.

"Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bố trí nguồn ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại tham gia chính sách nhà ở xã hội và tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời cho phép thế chấp bằng dự án nhà ở xã hội để vay vốn, sửa đổi quy định dự án nhà ở xã hội cho thuê thì được hưởng ưu đãi thuế đến 70%" - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kiến nghị thêm.

Xây dựng khu nhà ở xã hội tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Xây dựng khu nhà ở xã hội tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nghiên cứu gói lãi suất thấp, rút ngắn thủ tục

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan sớm ban hành văn bản thuận lợi hơn trong triển khai dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian

10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng phù hợp.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy có nghị quyết về vấn đề này để triển khai thực hiện nghiêm với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, không đùn đẩy, né tránh".

Trong đó cần thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất, tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, công khai minh bạch và tăng tỉ lệ ký quỹ. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng...

Đô thị càng to càng khó xây nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân đỏ mắt tìm mua nhà ở xã hội.

Trong khi đó tại các tỉnh vùng ven như Bắc Ninh có hàng ngàn căn hộ "nằm chờ" người mua, đó là nghịch lý trong chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Hà Nội cho thấy từ năm 2013 đến nay chỉ có một vài dự án nhà ở xã hội được khởi công, xây dựng và mở bán căn hộ. Trong đó có thể kể tới các dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), quy mô 149 căn hộ được khởi công xây dựng, mở bán nhà vào tháng 5-2023.

Tiếp đó là dự án nhà ở xã hội CT-05, CT-06 (thuộc khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, huyện Mê Linh), quy mô 280 căn hộ, được khởi công xây dựng vào tháng 12-2023. Từ đầu năm 2024 đến nay chưa có thêm dự án nhà ở xã hội nào được khởi công xây dựng tại Hà Nội.

Và để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, TP Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư năm khu nhà ở xã hội tập trung, trong đó có hai dự án sẽ được đầu tư tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), ba dự án còn lại sẽ được đầu tư tại xã Cổ Bị (huyện Gia Lâm), xã Ngọc Hồi, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) và xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Đại Mạch (huyện Đông Anh). Các dự án này trên thực tế đã được TP Hà Nội đầu tư từ lâu nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.

Tương tự tại TP.HCM, theo kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 35.000 căn hộ. Trong đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", TP.HCM được giao đến năm 2030 hoàn thành 69.700 căn, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 26.200 căn và giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành 43.500 căn.

Báo cáo giám sát của HĐND TP.HCM (cuối năm 2023) cho thấy nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn TP rất lớn nhưng nguồn cung hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Giai đoạn 2016 - 2021, TP chỉ đạt được gần 67% so với chỉ tiêu diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội (1,78 triệu m2), số dự án hoàn thành chỉ đạt 20/93 dự án đặt ra.

Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, khả năng hoàn thành thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn (tương đương 35.000 căn hộ nhà ở xã hội) rất thấp, khó khả thi. Tính đến quý 3-2023 chỉ có một dự án hoàn thành, đạt 1,31% chỉ tiêu. UBND TP.HCM cũng xác định khả năng chỉ có thể hoàn thành khoảng 12.000 căn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi đó tại Bắc Ninh, dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành) được xây dựng từ năm 2019, quy mô khoảng 1.400 căn nhà ở công nhân (hiện mới hoàn thành khoảng 700 căn hộ), với giá bán từ 10-11 triệu đồng/m2 lại đang ế khoảng 400 căn hộ.

Tương tự là trường hợp của Tổng công ty Viglacera đã triển khai khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội (chủ yếu là nhà ở công nhân) tại bốn tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ, giá bán căn hộ từ 8-10 triệu đồng/m2, tương đương giá từ 250 - 600 triệu đồng/căn hộ nhưng hiện vẫn còn khoảng 3.000 căn nhà chưa bán được.

Còn tại Bắc Giang, tháng 6-2023 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) được khởi công xây dựng với quy mô khoảng 7.000 căn hộ. Đến tháng 1-2024, TP Hải Phòng cũng khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội Tràng Cát (tên thương mại Happy Home) quy mô xây dựng khoảng 4.300 căn hộ.

Giải thích cho những khó khăn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho rằng việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án rất khó khăn, tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được. Hiện TP chưa bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất... Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao và đất do các doanh nghiệp từ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng. Ngoài ra, loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các loại căn hộ có diện tích nhỏ 25-30m2 có giá bán 300 - 400 triệu đồng và nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đà Nẵng cho thuê nhà ở xã hội

Các khối nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại quận Cẩm Lệ,  TP Đà Nẵng được bố trí thuê - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Các khối nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng được bố trí thuê - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tính đến hết năm 2023, Đà Nẵng đã đầu tư hoàn thành hơn 16.700 căn hộ nhà ở xã hội, trong đó vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 12.000 căn hộ. Đối với chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước,

TP đã bố trí cho thuê trên 98% số căn.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết hiện nay TP tập trung hoàn thành dự án chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (hơn 200 căn hộ, đầu tư từ vốn ngân sách). Ngoài ra TP thực hiện chuyển đổi công năng hai khu ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội (hơn 600 căn hộ), triển khai đề án bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí thuê (hơn 1.700 căn hộ).

"Đối với trường hợp nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, hiện quỹ nhà còn rất ít. TP đã chỉ đạo tập trung thu hồi nhà ở đối với các trường hợp không còn đảm bảo điều kiện thuê hoặc vi phạm quy chế quản lý sử dụng chung cư thuộc sở hữu nhà nước để bổ sung quỹ nhà bố trí lại", đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, Đà Nẵng đang đôn đốc hoàn thành bốn dự án nhà ở xã hội gồm chung cư thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo (khối nhà C), chung cư thu nhập thấp tại khu dân cư An Trung 2 (khối nhà A, B), khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh (khối nhà B2) và chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside với hơn 2.500 căn hộ.

Ngoài ra TP cũng đang kêu gọi đầu tư mới ba dự án nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp 4, tại khu đất chung cư số 3 thuộc khu B - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ và tại khu đất chung cư số 5 thuộc khu B - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Ba dự án này có quy mô hơn 3.500 căn hộ từ nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ dành để bán, cho thuê đối với các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định.

Bình Định: ủng hộ hết mình

Ngày 16-3, ông Trần Viết Bảo - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - thông tin trong kế hoạch thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, tỉnh Bình Ðịnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 20.346 căn. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đầu tư xây dựng 9.706 căn, giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư xây dựng khoảng 10.640 căn.

Đến thời điểm hiện tại đã triển khai 14 dự án với 9.845 căn và hoàn thành đưa vào sử dụng 1.393 căn, đang thi công xây dựng 4.300 căn và trong năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 1.487 căn. Chủ đầu tư đang lập thủ tục đầu tư xây dựng tiếp tám dự án với 4.152 căn. Tỉnh cũng đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 28 dự án với 24.675 căn nhà ở xã hội; rà soát, bố trí 22 vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội dự kiến phát triển 16.703 căn...

Để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trừ hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà). Đồng thời tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Theo ông Bảo, sở cũng ghi nhận nhiều khó khăn, vướng mắc từ nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và đã báo cáo Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ xem xét có quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm