Để đón đầu "làn sóng" này, bà Wang Xiaoping, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Trung Quốc, cam kết sẽ tăng cường các chính sách tuyển dụng người trẻ cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Kênh Channel News Asia cho biết khoảng 32.000 hội chợ việc làm đã được tổ chức ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nhân lực Trung Quốc, dù thị trường việc làm có dấu hiệu khởi sắc - đặc biệt là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn - song giới chức chịu sức ép tạo thêm nhiều việc làm.
Một số ý kiến đổ lỗi cho lượng sinh viên tốt nghiệp quá đông - năm 2022, con số này lần đầu vượt mốc 10 triệu người. Dù vậy, nhiều chuyên gia khẳng định vẫn còn chỗ cho sinh viên tốt nghiệp, với điều kiện phải tạo thêm việc làm và các công ty sẵn sàng thuê mướn họ.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), ông Dan Wang, nhấn mạnh: "Vấn đề là tạo ra được môi trường khiến các công ty thoải mái tuyển sinh viên mới ra trường và đào tạo họ để đón đầu những công việc tương lai".
Bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn, sự phát triển của các lĩnh vực số hóa và tự động hóa cũng đe dọa nhiều lao động - theo giới chuyên gia. CNA dẫn một báo cáo năm 2018 của công ty tư vấn PwC cho thấy AI và các công nghệ liên quan có thể "xóa sổ" khoảng 26% số công việc hiện hữu ở Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ nữa.
"Chính phủ Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan. Một mặt họ cố gắng thúc đẩy công nghệ cao và AI, mặt khác những công nghệ này lại gây thất thoát lớn về cơ hội việc làm và thu nhập" - TS Chen Gang, Phó Giám đốc Viện Đông Á của Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), chỉ ra.