Ba nguồn tin am hiểu về ByteDance và TikTok nói với FT rằng công ty Trung Quốc đạt doanh thu cao nhất từ trước tới nay tại Mỹ trong năm qua, tăng 40% so với một năm trước đó. Công ty mẹ ByteDance cũng đang trên đà vượt qua Meta để trở thành công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, với 120 tỷ USD. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính của Meta năm ngoái công ty của Mark Zuckerberg đạt doanh thu 135 tỷ USD, tăng 16% so với 2022.
Phần lớn doanh thu của ByteDance là nhờ ứng dụng Douyin ở Trung Quốc, nhưng TikTok cũng đang chiếm nhiều thị phần ở các quốc gia khác. ByteDance hiện là công ty tư nhân, không tiết lộ dữ liệu tài chính và cũng chối bình luận về số liệu của FT.
Số liệu về doanh thu TikTok tại Mỹ được tiết lộ giữa lúc công ty đối mặt tương lai bấp bênh ở nước này. Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi ByteDance trong vòng sáu tháng hoặc bị cấm tại Mỹ. Dự luật hiện cần thêm sự chấp thuận của Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Joe Biden.
Theo Reuters, một số cá nhân và tổ chức bắt đầu tính đến việc mua TikTok. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đang thành lập một nhóm để đấu thầu nền tảng, nhưng không cung cấp chi tiết. Còn theo WSJ, Bobby Kotick, cựu CEO Activision Blizzard, được cho là đã mời CEO OpenAI Sam Altman và một số nhà đầu tư tham gia nhóm đối tác để thâu tóm TikTok. Ông cho rằng OpenAI có thể sử dụng kho dữ liệu khổng lồ của TikTok để đào tạo các mô hình AI. OpenAI và Kotick hiện chưa đưa ra bình luận.
Dù vậy, việc mua lại TikTok không dễ dàng. Bất kỳ ai muốn nền tảng của ByteDance có thể đối mặt với khoản tiền khổng lồ. Theo Bloomberg, TikTok Mỹ hiện được định giá 150 tỷ USD. Trước đó, Trung Quốc cho biết họ "kiên quyết phản đối" bất kỳ hành động ép buộc bán TikTok nào.
CEO TikTok Mỹ Shou Zi Chew nói với người dùng rằng nếu được thông qua, dự luật "sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ". Công ty đang hiển thị thông báo trên ứng dụng để vận động 170 triệu người dùng tại Mỹ gọi điện tới các thượng nghị sĩ nhằm phản đối dự luật.