Tài chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP

Chiều tối 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Triển khai nhà ở xã hội chưa đạt kỳ vọng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, tăng 4 dự án và 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15-3.

Tuy vậy, đến nay mới chỉ có 75 dự án hoàn thành với quy mô 39.884 căn, số dự án khởi công xây dựng 128 dự án, quy mô 115.379 căn và dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án.

Hiện đã có thêm hai ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ vốn, nâng lên tổng số 6 ngân hàng, với tổng số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.144 tỉ đồng, bao gồm 1.133 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án, nhưng mới chỉ có 11 tỉ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

Nguyên nhân khiến các dự án triển khai chưa đạt kỳ vọng, theo Bộ Xây dựng, do một số cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, còn hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư. Một số dự án đã được phê duyệt nhưng triển khai còn chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn.

Đánh giá nhiều bộ ngành đã vào cuộc tích cực, nhiều luật đã cơ bản được tháo gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội.

Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.

Thời gian qua, các bộ ngành vào cuộc tích cực, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa qua phải giải quyết, xây dựng, hoàn thiện một loạt cơ sở pháp lý liên quan vấn đề này.

Đến nay, các nút thắt vướng về đất đai, thủ tục, vấn đề liên quan bất động sản, nhà ở... đã được tháo gỡ cơ bản. Các cơ quan đã trình Quốc hội ban hành các luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng), các luật đã cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai... cho nhà ở xã hội, vấn đề là sớm đưa các quy định vào cuộc sống.

Tuy nhiên, cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngoài nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua.

Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: VGP

Sớm tháo gỡ chính sách, thủ tục

Về các nhiệm vụ cụ thể, với yêu cầu quyết tâm, mạnh mẽ hơn nữa, có giải pháp tích cực, phù hợp, hiệu quả hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024;

Trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành nghị quyết cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1-7-2024, sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở), quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội (Luật Đất đai).

Bộ Xây dựng giám sát việc thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Rà soát, hoàn thiện các chính sách thuê, thuê mua, mua; hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược nhà ở; sớm hoàn thiện quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội...

Ngân hàng Nhà nước thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với vay thương mại thông thường; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp, vay vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội; Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập quỹ về nhà ở xã hội, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị địa phương cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực, quyết liệt hơn, nhất là các thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, đông công nhân, nhu cầu nhà ở xã hội lớn.

Các địa phương khẩn trương, tập trung làm quy hoạch nhà ở xã hội, lựa chọn nhà đầu tư, duyệt đối tượng mua, duyệt giá bán, các thủ tục này phải làm nhanh, thuận lợi; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội; phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.

Các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công; công bố công khai thông tin về dự án để người dân biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm