Thời sự

Thủ tướng nói gì về mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%?

Chiều ngày 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.

Theo Thủ tướng, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình 9 tháng đầu năm 2022. Đến nay, tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới; các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, quy mô, tính chất, phạm vi, nhất là về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ. Hoa Kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát, đồng USD tăng giá dẫn đến nhiều đồng tiền chủ chốt khác mất giá, suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái rõ nét hơn. 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến các vấn đề kinh tế vĩ mô, Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023.

Theo đại biểu Ngọc, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 có đưa ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, tính đến quý II/2022 là 7,8%, trong đó lạm phát của Mỹ tăng 8,2%, lạm phát ở các nước sử dụng đồng tiền chung Euro lên tới 10% trong tháng 9.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế có độ mở vào diện cao nhất thế giới, rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao.

Bên cạnh đó, tác động của xung đột Nga và Ukraine, Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero COVID đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, mục tiêu đặt ra CPI khoảng 4,5% có khả thi? Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu đó? 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Quốc hội).

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có lạm phát. Vừa qua Việt Nam đã kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng cho biết, có hai nội hàm cần quan tâm trong kìm hãm lạm phát: "cầu kéo" và "cung đẩy" Chống lạm phát là phải làm sao giảm "cầu kéo" và kiểm soát "cung đẩy", nhất là từ bên ngoài sao cho hợp lý.

Cân bằng giữa "cầu kéo" và "cung đẩy" để kiểm soát lạm phát, còn ổn định kinh tế vĩ mô thì cần tìm điểm cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Lựa chọn mục tiêu thế nào để vừa kiểm soát lạm phát và vừa thúc đẩy tăng trưởng là điểm cân bằng rất quan trọng, Thủ tướng đánh giá.

Phân tích kỹ hơn về việc kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết, hiện có 752 mặt hàng nằm trong rổ hàng hoá tính CPI của Việt Nam, phân thành 11 nhóm.

Với kinh nghiệm nhiều năm kiểm soát lạm phát, chúng ta phân tích được những rổ hàng tác động đến tình hình lạm phát trong nước. Trong đó, nhóm mặt hàng tác động lớn nhất đến lạm phát là các mặt hàng liên quan đến ăn uống chiếm tới 39,3%, sau đó đến xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm 19%, chỉ hai nhóm này đã chiếm hơn 50% trong rổ hàng hoá.

Các nhóm có tỷ trọng cao khác là trang thiết bị đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế. Bảy nhóm rổ hàng hoá này chiếm 86% tỷ trọng, nên muốn kiểm soát lạm phát cần tập trung vào các nhóm này để giảm "cầu kéo". Cộng với việc cung tiền cân đối thế nào, giải ngân vốn đầu tư công,...để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những lợi thế của Việt Nam là chúng ta không phải nhập khẩu lượng thực, thực phẩm lớn. Ngành nông nghiệp không những cung cấp đủ cho thị trường trong nước và còn xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, 6 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu năm.

Lấy nông nghiệp là trụ đỡ, tự chủ trong an ninh lượng thực là lợi thế của Việt Nam.

Với nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, vừa qua khi có biến động tăng giá, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết để rà soát vấn đề này, y tế, giáo dục cũng tương tự.

Còn với yếu tố "cung đẩy", vừa qua Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách với mặt hàng xăng dầu như: Giảm thuế Bảo vệ môi trường, giảm phí, lệ phí nhằm giảm giá xăng dầu, chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô rất quan trọng, trong đó có tăng trưởng - lạm phát - việc làm. Cần tìm điểm cân bằng của 3 yếu tố này để mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế, Thủ tướng cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm