Thời sự

Thủ tướng: Điều hành tín dụng còn bị động, cần kịp thời hơn nữa

Phát biểu kết luận tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng về tổng thể nền kinh tế chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong.

"Chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế, song kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện", Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10/2023, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều. Một số tổ chức tín dụng, NHTM tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…

Điều hành tín dụng còn bị động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Về nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nêu rõ, từ phía cung (các tổ chức tín dụng, NHTM) thì hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ.

Từ phía cầu (doanh nghiệp, người dân), trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế (cả về tín dụng của doanh nghiệp và tín dụng tiêu dùng).

Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ), mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả.

Thủ tướng cũng đánh giá việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt, khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra (do các tổ chức tín dụng yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân…), khiến cho quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn….

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó phải đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý, đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm, Thủ tướng đã đề nghị điều này qua hai hội nghị về bất động sản nhưng đến nay chưa được triển khai tích cực.

Phát biểu tại cuộc họp các ý kiến đều đánh giá điều hành chính sách đã chuyển hướng kịp thời, từ chặt chẽ sang chủ động, linh hoạt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (VASEP) cho biết gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh. Đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng. Các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất khoảng từ 5 - 5,9%, còn lãi suất USD từ 4,1-4,5%.

Về phía tổ chức tín dụng, ông Kang Gew Won, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng cho biết đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của Shinhan đã đạt 15% và mới được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 5% room tín dụng so với hạn mức phân bổ trước đó.

Ông cho rằng, việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời và ý nghĩa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút, tăng tốc cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm