Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 7/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BDV, Vietinbank, Agribank), ngân hàng TPBank đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký 5.000 tỷ đồng.
Về việc triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố đều đã có các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn quán triệt, chủ động bố trí nguồn vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình.
Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Sở Xây dựng các địa phương phối hợp để rà soát danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai gói tín dụng đến nay vẫn còn chậm. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện, mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội , nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cho Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Phần lớn các địa phương còn lại đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư dự án, chưa công bố danh mục này. Do đó, các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án.
Về phía khách hàng, một số chủ đầu tư đã được tổ chức tín dụng hướng dẫn các thủ tục vay vốn nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định.
Còn khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thu nhập sụt giảm do bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng... Do đó, khách hàng ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm.