Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.
Có 3 hình thức thực hiện, đó là trực tiếp, trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.

Người dân đi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an
ẢNH: NGUYỄN ANH
Nhập cảnh có hoạt động phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM cho biết, theo quy định, thời hạn giải quyết đối với hồ sơ nộp trực tiếp, trực tuyến, hay dịch vụ bưu chính đều 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Lệ phí cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ trên 2 năm đến 5 năm là 155 USD/thẻ; thời hạn không quá 2 năm: 145 USD/thẻ.
Về hồ sơ cấp thẻ tạm trú theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 luật số 47/2014/QH13 gồm: văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh, hộ chiếu, giấy tờ chứng minh liên quan.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh lưu ý cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở đóng tại địa phương khi đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài cần phải nộp hồ sơ tại công an cấp tỉnh: bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức, văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
Việc nộp hồ sơ trên chỉ thực hiện một lần, nếu có thay đổi nội dung trong hồ sơ thì cơ quan, tổ chức phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để bổ sung hồ sơ.

Theo quy định, thời hạn giải quyết cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài đối với hồ sơ nộp trực tiếp, trực tuyến, hay dịch vụ bưu chính đều 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
ẢNH: NGUYỄN ANH
Đặc biệt, một trong những điều kiện để được cấp thẻ tạm trú là người nước ngoài nhập cảnh có mục đích hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, và không thuộc diện chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và người nước ngoài thuộc các trường hợp được cấp thẻ tạm trú theo quy định.
Các bước thực hiện để cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ: Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Sau đó gửi bổ sung hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (nếu có).

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cấp thẻ tạm trú nếu đáp ứng đủ các điều kiện, và có 3 hình thức nộp hồ sơ
ẢNH: NHẬT THỊNH
Sau đó, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, in và cấp giấy hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ; yêu cầu nộp phí cho cán bộ thu phí, giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp thẻ tạm trú hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an đề nghị đề nghị cấp thẻ tạm trú thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người nộp hồ sơ hoàn chỉnh.
Trường hợp không đủ điều kiện thì không tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trả kết quả, nhận thẻ tạm trú trực tiếp tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh. Khi đến nhận kết quả mang theo giấy hẹn trả kết quả, giấy tờ tùy thân, biên lai thu tiền để cán bộ đối chiếu.
Nếu đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.
Nếu chưa cấp thẻ tạm trú thì trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.