Công nghệ

Thủ thuật "đánh kính" lừa người mua điện thoại cũ

Đầu tháng 8, Văn Dương (Hà Nội) mua một chiếc iPhone 12 Pro tại cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại cũ. Người bán cho biết máy không trầy xước, các chức năng hoạt động tốt và chưa can thiệp phần cứng. Sau khi kiểm tra, Dương đồng ý với mức giá 13,3 triệu đồng kèm bảo hành 6 tháng.

Tuy nhiên, cuối tháng 9, khi mang máy tới cửa hàng gần nhà để thay tấm cường lực bị nứt do vô tình đánh rơi, thợ sửa chữa cho biết iPhone của anh có dấu hiệu bị "đánh kính". Đây là thủ thuật dùng hóa chất dạng bột và máy chuyên dụng để mài màn hình, giúp loại bỏ vết xước, khiến mặt kính đẹp hơn nhưng trở nên mỏng và yếu đi. Vì vậy, thợ khuyên anh sử dụng thận trọng, tránh làm rơi hoặc chèn ép máy.

Liên hệ với bên bán, Dương được đề nghị đổi máy mới. "Họ nói không biết máy bị đánh kính và cho rằng chủ cũ của điện thoại đã làm việc này trước khi bán lại cho cửa hàng", anh cho biết.

Quá trình mài kính, loại bỏ vết xước trên màn hình bằng máy chuyên dụng. Video: Rewa Technology

Theo ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng sửa điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), tình trạng đánh kính không chỉ trên iPhone mà còn ở nhiều dòng Android cũ. Dù không ảnh hưởng tới khả năng hiển thị, thủ thuật này khiến màn hình trở nên kém bền. Nhiều trường hợp, điện thoại đã dán kính cường lực, sử dụng thêm ốp lưng bảo vệ, nhưng vẫn dễ hỏng màn hình sau các va chạm không quá mạnh.

Ông Cường cho biết chiêu đánh kính đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm. Trước đây, thợ phải thao tác thủ công nên màn hình thường mỏng ở giữa và dày hơn ở viền ngoài, dễ bị người mua phát hiện. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, sau khi chuyển sang mài bằng máy chuyên dụng, việc phân biệt màn hình nguyên bản và loại đã can thiệp trở nên khó khăn hơn.

Còn theo ông Mai Tùng, đại diện hệ thống Hoàng Kiên Mobile, chỉ cần bỏ thêm 200.000-300.000 đồng, bên bán có thể làm mới mặt kính và nâng giá điện thoại cũ lên hàng triệu đồng. Ngoài ra, một số cửa hàng áp dụng kỹ thuật tương tự để xóa vết cấn, móp ở mặt lưng và cạnh bên của điện thoại, từ đó giúp thiết bị trông mới hơn và bán giá cao cho người tiêu dùng.

Các vết xước trên màn hình điện thoại. Ảnh: Hoàng Giang

Các vết xước trên màn hình điện thoại. Ảnh: Hoàng Giang

Việc đánh kính cũng làm tăng nguy cơ hỏng linh kiện phần cứng quan trọng của điện thoại. "Thợ phải xả nước lên màn hình khi tiến hành mài kính, có thể gây rò rỉ vào bên trong", ông nói. Nhiều máy sau can thiệp bị mất tính năng Face ID do cảm biến bị ngấm nước.

Theo ông Tùng, để tránh mua phải smartphone đánh kính, người dùng có thể kiểm tra bằng phương pháp dán kính cường lực. "Máy sau khi mài thường khó tiếp nhận kính cường lực. Thợ phải miết mạnh màn hình bằng một tấm thẻ cứng để loại bỏ các bóng khí nằm giữa hai lớp kính", ông nói.

Bên cạnh đó, khi soi dưới ánh đèn điện, màn hình điện thoại loại này cũng cho ảnh phản chiếu méo mó, gợn sóng, do độ dày bề mặt kính không đều.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm