Thông tin từ Xí nghiệp quản lý duy trì hồ Linh Đàm cho hay, những vệt dầu loang tại hồ Linh Đàm được phát hiện lần đầu tiên vào sáng ngày 27/9. Những ngày tiếp theo, không còn thấy xuất hiện hiện tượng dầu loang quanh vệ hồ, nhưng đến khoảng 10h ngày 1/10, tiếp tục xuất hiện dầu đọng thành vệt quanh mép hồ và ngày càng nhiều.
Trong những ngày qua, nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội đã dùng gáo nhựa vớt nhiều váng dầu thải nổi trên mặt nước vào thùng để chở đi xử lý, nhưng hiện tại các lớp dầu thải này trên hồ Linh Đàm vẫn còn nhiều.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận thông tin và đang trong quá trình xác minh thủ phạm xả dầu thải ra hồ Linh Đàm.
Khu vực hồ Linh Đàm, nơi xảy ra hiện tượng dầu loang mặt hồ những ngày gần đây. (Ảnh: Thành Long).
Lượng dầu thải nổi lên mặt hồ đóng thành váng, trôi dạt vào bờ kè gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và đời sống của người dân.
Bà Vũ Thị Liên (sống tại khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Mấy ngày nay nắng nóng, mùi dầu và cá chết bốc lên nồng nặc, người dân đi qua đây đều phải đeo khẩu trang, không ai dám ra câu cá, ngồi hóng mát ở khu vực quanh hồ nữa".
Theo Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người nào vi phạm mức thấp nhất sẽ bị phạt tiền từ từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đối với mức phạt cao nhất là từ từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu người chủ mưu là pháp nhân thương mại sẽ có mức phạt thấp nhất là 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng. Mức cao nhất là từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
Thận trọng khi sử dụng nước tại khu vực ô nhiễm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư City of Hope (California, Mỹ), Cố vấn khoa học Tổ chức phòng chống ung thư tại Việt Nam, ô nhiễm dầu nhớt là một loại ô nhiễm phức tạp.
Sử dụng nước váng dầu thải sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. (Ảnh: Thành Long).
"Dầu nhớt không chỉ là một chất mà là một hỗn hợp bao gồm hàng trăm chất khác nhau, bao gồm các vòng thơm, các chất mạch thẳng ngắn hoặc dài... Các chất nhẹ hơn nước thì nổi lên phía trên tạo thành lớp màng trên bề mặt, các chất nặng hơn nước thì chìm xuống dưới tích tụ trong trầm tích ở đáy, có thể ảnh hưởng đến cá và sinh vật ăn đáy. Vì thế, việc xử lý ô nhiễm dầu là một việc làm không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ thông tin.
Tiến sĩ Vũ cho hay, các chất trong dầu nhớt có thể nhiễm vào cơ thể nhanh qua 2 đường chính là thở và ăn uống. Qua các con đường này, các chất ô nhiễm vào máu rất nhanh.
Dầu nhớt ô nhiễm chứa đến hàng trăm các loại chất, các hợp chất trong dầu nhớt ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách khác nhau. Điển hình các hợp chất nhỏ như benzen, toluene và xylene, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh trung ương có thể xảy ra. Nếu phơi nhiễm đủ cao có thể dẫn đến chết người.
Phân tích về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, Tiến sĩ Vũ cho rằng, ô nhiễm các chất trong dầu nhớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại hợp chất hóa học có trong thành phần ô nhiễm, thời gian tiếp xúc, lượng hóa chất tiếp xúc. Từ đó, người dân khu vực có sông hồ, nguồn nước bị nhiễm váng dầu cần thận trọng khi sử dụng nước tại khu vực ô nhiễm.Xem thêm bài viết được quan tâm: